00:00 06/11/2019

Thủ tướng lưu ý các bộ ngành về tư tưởng “cuối nhiệm kỳ”

Hồng Hà

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến một số thách thức, tồn tại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý việc điều chỉnh tỷ giá, chính sách tiền tệ phải hết sức thận trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý việc điều chỉnh tỷ giá, chính sách tiền tệ phải hết sức thận trọng.

"Nếu môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta chững lại trong khi các nước trong khu vực tăng tốc, thì các bộ ngành, địa phương phải chú ý cái này, nhất là tư tưởng cuối nhiệm kỳ, tư tưởng sợ trách nhiệm, ngại khó, không xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra của phát triển".

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, chiều 5/11.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, các cấp, các ngành có nhiều cố gắng giữ đà tăng trưởng với có nhiều điểm sáng như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút vốn FDI tăng trưởng tốt…

Tuy nhiên, Chính phủ thấy rằng còn nhiều thách thức, tồn tại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đó là rủi ro từ bên ngoài, có tác động tới thương mại, ảnh hưởng đến đầu tư, tỷ giá của Việt Nam. Do đó, việc điều hành tỷ giá, chính sách tiền tệ cần thận trọng.

Về thách thức, bất cập nội tại, Thủ tướng lưu ý cải cách môi trường kinh doanh còn chậm khi mà theo Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 1,2 điểm nhưng xếp hạng thì giảm 1 bậc (từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát) vì "anh tăng nhưng người ta còn tăng hơn anh nữa".

Trong đó, cần lưu ý các chỉ số khởi sự kinh doanh, chỉ số cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, bảo vệ nhà đầu tư, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp.

Về định hướng những tháng cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, "tưởng hoàn thành kế hoạch, công bố hết rồi, báo cáo Quốc hội rồi thì không ổn, còn 2 tháng nữa, trách nhiệm rất nặng nề" trong khi cuối năm, có nhiều vấn đề đặt ra trong chỉ đạo, điều hành, mà nếu không quyết tâm tháo gỡ, xử lý kịp thời thì ảnh hưởng rất lớn. Cần quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu trong năm 2019, tạo dư địa chính sách cho năm tới.

Về rủi ro từ bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời và phù hợp, trong đó đặt vấn đề mạnh mẽ hơn đối với đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Mặt khác, phải tập trung phát triển thị trường trong nước với gần 100 triệu dân.

Bộ Công Thương triển khai kịp thời Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống gian lận thương mại và gian lận xuất xứ; xử lý nghiêm một số vụ. Bộ Tài chính làm đầu mối, tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình thị trường chứng khoán, tăng cường theo dõi, đánh giá các dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế đối với các vấn đề tỷ giá, lãi suất. Tiếp tục kịp thời bảo đảm ổn định thị trường ngoại hối. Tạo điều kiện để chống chọi các cú sốc bên ngoài.

Nhắc lại vấn đề môi trường kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cải cách thủ tục trong lĩnh vực thuế. Bộ Tài chính làm đầu mối trình sửa đổi ngay Nghị định 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, sớm hoàn thiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0; trình chiến lược thu hút FDI theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an có giải pháp quyết liệt giảm thiểu các vấn nạn gây bức xúc xã hội như xuất cảnh trái phép, lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo chuyển nhượng đất đai…

Trước đó, mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến vụ việc 39 người thiệt mạng trên một xe tải tại Đông Bắc London (Anh) được dư luận quan tâm và nhấn mạnh: Chúng ta cố gắng làm hết sức mình trong công tác bảo hộ công dân.

Thủ tướng bày tỏ đây là sự việc đau lòng, gây bàng hoàng cho gia đình các nạn nhân, cho cộng đồng, từng trái tim người Việt.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn đến thân nhân, gia đình các nạn nhân. Ngay khi sự việc xảy ra, Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ ban hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra, làm rõ, có biện pháp cần thiết phối hợp với nhà chức trách Anh trong xử lý vụ việc.