Thua lỗ 500 tỷ, Vietnam Holding kỳ vọng năm 2023 VN-Index sẽ tốt hơn nhờ định giá rẻ
Tổng thiệt hại toàn diện của Vietnam Holding Limited là 21,8 triệu USD tương đương với khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022...
Ông Hiroshi Funaki, Chủ tịch Quỹ Vietnam Holding Limited trong báo cáo tài chính năm 2022 công bố mới đây cho biết, hiệu suất quỹ đã giảm 30,1% trong năm 2022.
Tổng tài sản của quỹ giảm xuống còn 105,98 triệu USD vào cuối năm 2022 từ mức 129 vào ngày 30/6/2022. Tổng thiệt hại toàn diện là 21,8 triệu USD tương đương với khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn sáu tháng, một con số đáng kể so với tổng thu nhập toàn diện là 17,2 triệu USD được tạo ra trong khoảng thời gian tương ứng vào năm 2021.
Năm 2022 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại khi nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang “trở lại bình thường” sau 2 năm chống dịch Covid-19, thì cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine càng đẩy thế giới vào tình trạng bất ổn hơn. Mặc dù năm 2022 là một năm kỷ lục đối với nền kinh tế Việt Nam - với mức tăng trưởng GDP cao trong thập kỷ (8%), mức đầu tư trực tiếp nước ngoài kỷ lục và thặng dư thương mại chưa từng có - nhưng đó không phải là một năm tuyệt vời đối với các nhà đầu tư cổ phiếu.
Tuy nhiên, theo vị này, bất chấp những bất ổn vẫn tiếp diễn trên toàn cầu, năm 2023 có thể sẽ tốt hơn cho Việt Nam. Các nhà đầu tư đang bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán, với dòng vốn ròng được ghi nhận lần đầu tiên kể từ năm 2019. Ngoài ra, thị trường dường như đang ở mức định giá rẻ trong lịch sử cùng với triển vọng tăng trưởng tốt.
Đánh giá thêm về việc nâng hạng thị trường, theo các nhà quản lý của VNH, MSCI tiến hành đánh giá các quốc gia hàng năm và thường công bố kết quả vào tháng 6 hàng năm. Quá trình xem xét đối với Việt Nam cũng như với tất cả các quốc gia sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn chứ không phải một sớm một chiều. Đầu tiên, nếu xác định được đủ tiến bộ, Việt Nam sẽ được thêm vào danh sách theo dõi 'có khả năng nâng hạng'. Một năm sau, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, sẽ có một thông báo cho biết quốc gia này sẽ được đưa vào. Sau đó, giả sử tất cả đều ổn trong một năm nữa, mới chính thức được nâng hạng.
Thị trường đã hy vọng rằng giai đoạn đầu tiên có thể hoàn thành vào tháng 6 năm 2023, dẫn đến việc được nâng hạng vào tháng 6 năm 2025, nhưng Việt Nam đã bị lỡ ít nhất một năm.
"Nếu Việt Nam được đưa vào, quốc gia này sẽ thu hút được nhiều vốn nước ngoài hơn và có khả năng chứng kiến sự đánh giá lại về định giá của một số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Một số nghiên cứu cũng gợi ý rằng việc nâng cấp như vậy cũng sẽ làm giảm rủi ro thị trường, giảm chi phí vốn và làm cho chứng khoán trở thành một kênh hút vốn hẫp dẫn cho kinh tế", đại diện quỹ VNH nhấn mạnh.