15:55 04/01/2022

Thúc đẩy ứng dụng blockchain tại Việt Nam

Gia Bảo

Được xem là trụ cột của các ngành công nghệ tương lai, công nghệ blockchain đang mở ra nhiều cơ hội ứng dụng trong thực tế, tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi tại Việt Nam...

Blockchain ngày càng được ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực
Blockchain ngày càng được ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực

Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững, các startup và doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ này một cách sâu và bài bản thay vì chỉ “gắn mác” blockchain để gọi vốn.

Blockchain là một thị trường phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới trong thập kỷ qua với nhiều ứng dụng trong các ngành nghề như: vận tải, dịch vụ công, truyền thông, tài chính, sản xuất, bán lẻ... 

Tại hội thảo quốc tế “Tiền tệ kỹ thuật số Việt Nam và các ứng dụng hỗ trợ blockchain trong thương mại quốc tế” diễn ra mới đây, GS. Charla Griffy-Brown đến từ Đại học Pepperdine Mỹ, nhận định công nghệ blockchain sẽ tái định nghĩa cách con người thực hiện các giao dịch kinh tế, tiền tệ hay lưu trữ tài sản. “Ước tính giá trị thị trường của blockchain sẽ vào khoảng 3,1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Ngoài ra, ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia tham gia vào việc ứng dụng công nghệ blockchain”, GS. Charla chia sẻ. 

Tuy là một nền tảng công nghệ kết nối các giao dịch điện tử phổ biến trên thế giới, song blockchain vẫn còn là một xu hướng tương đối mới tại Việt Nam. Các ứng dụng của công nghệ này bắt đầu manh nha và đang dần xuất hiện ở nhiều lĩnh vực trong một vài năm gần đây.

NHỮNG ỨNG DỤNG ĐA DẠNG CỦA BLOCKCHAIN

Chia sẻ tại tọa đàm “Trò chơi trực tuyến: Tương lai của Việt Nam” mới đây, ông Tùng Phan, đồng sáng lập Moon Knight Labs, Giám đốc tiếp thị của Faraland Studio, cho biết ở Việt Nam công nghệ blockchain bắt đầu được ứng dụng hàng loạt trong một số ngành như logistics, bán lẻ, fintech… Ông Tùng dẫn chứng: Viettel gần đây có ứng dụng blockchain trong hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân với các lưu trữ thông tin đầy đủ lịch sử khám, chữa bệnh của người dân. Trong khi đó, Vietcombank dùng blockchain trong ngân hàng số. “Có thể nói, blockchain được xem là trụ cột của các ngành công nghệ tương lai, bên cạnh trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT)”, ông Tùng Phan nhận định.

 
“Hay như trong ngành ngân hàng, blockchain hiện đang tạo ra các thay đổi mang tính phá vỡ những thứ truyền thống. Hiện giờ, ai cũng có thể tự trở thành ngân hàng của chính mình. Mọi người có thể tự giữ tiền, tự cho vay, cho vay ngang hàng trên những giao thức blockchain”.
Ông Phạm Minh Trí, CEO và sáng lập Whydah, đồng sáng lập Kardia Chain.

Blockchain còn giúp theo dõi các tài sản số, tạo ra các sàn giao dịch phi tập trung mà không cần bên trung gian có bên thứ ba hay chơi game. “Điều quan trọng nhất mà blockchain mang lại là giúp loại bỏ bên thứ ba, giúp mọi thứ nhanh và thuận tiện hơn”, ông Phạm Minh Trí, CEO và sáng lập Whydah, đồng sáng lập Kardia Chain, nói. “Hay như trong ngành ngân hàng, blockchain hiện đang tạo ra các thay đổi mang tính phá vỡ những thứ truyền thống. Hiện giờ, ai cũng có thể tự trở thành ngân hàng của chính mình. Mọi người có thể tự giữ tiền, tự cho vay, cho vay ngang hàng trên những giao thức blockchain”, ông Trí chia sẻ.

Trong khi đó, các sở hữu số hiện không chỉ dừng lại ở các vật phẩm trong game. Hiện nay, các nhà sưu tầm sở hữu các bức tranh, ảnh kỹ thuật số quan tâm nhiều đến việc chứng minh quyền sở hữu này. Mặc dù ai cũng có thể tải các bức tranh, ảnh đó về máy nhưng không dễ để chứng minh được ai là chủ thực sự của các hình ảnh hay tác phẩm nghệ thuật đó. Blockchain với những ưu điểm nổi trội có thể giúp giải bài toán này. “Đặc biệt, công nghệ này cũng có thể ứng dụng trong lĩnh vực xác thực định danh trong thế giới trực tuyến”, ông Trí cho biết thêm.

Cùng với những tiềm năng to lớn trong ứng dụng blockchain, trong thời gian qua đã có một làn sóng các startup và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain Việt, thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư cũng như các nhà quan sát. Hồi tháng 10, Sky Mavis, công ty phát triển tựa game blockchain đình đám Axie Infinity, tuyên bố huy động được 152 triệu USD trong vòng gọi vốn series B. Hay đầu tháng 12, Whydah - một trong những công ty tiên phong xây dựng cơ sở hạ tầng blockchain của Việt Nam, cũng huy động thành công 25 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư quốc tế. 

Ứng dụng ngày càng rộng rãi của blockchain cùng với sự thành công của các công ty đi đầu khiến nhiều người có tâm lý gắn blockchain vào các sản phẩm hay dịch vụ của mình để giúp gọi vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ các startup ứng dụng blockchain nghiêm túc và đầu tư vào công nghệ này một cách thực chất mới có thể hái “quả ngọt”. 

CẦN ĐI VÀO THỰC CHẤT HƠN LÀ CHỈ DÙNG BLOCKCHAIN ĐỂ GỌI VỐN

Theo ông Tùng Phan, huy động vốn đối với các startup hay doanh nghiệp làm công nghệ đổi mới sáng tạo hiện không quá khó như ngày xưa. Kể cả huy động vốn bằng token hay theo cách truyền thống, hiện tại có nhiều các đơn vị trợ giúp cho doanh nghiệp và startup trong lĩnh vực này. “Vấn đề ở đây là, khi doanh nghiệp và startup ứng dụng blockchain, họ phải biết để làm gì, có thể giải quyết được các nhu cầu bức thiết của cuộc sống hay không?”, ông Tùng Phan nói.

Có nhiều đơn vị nghĩ rằng chỉ cần đưa yếu tố blockchain vào một giải pháp chung chung là có thể huy động vốn và phát triển được. “Sự thực là không. Rất nhiều doanh nghiệp đã thất bại bởi tư duy như vậy”, ông Tùng Phan phân tích. “Khi một đơn vị muốn sử dụng và huy động vốn bằng blockchain, họ cần xem xét kỹ lưỡng về việc ý tưởng của mình có thực sự cần dùng blockchain hay không? Và khi nắm rõ được điều này rồi, doanh nghiệp và startup hoàn toàn có thể quyết định được nên huy động vốn theo cách truyền thống hay bằng token sẽ phù hợp hơn”. 

 
Khi áp dụng blockchain vào sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt các chi phí, tăng cường hiệu quả hoạt động, giảm nhân lực trong quản lý sự minh bạch trong công ty...

Tại Việt Nam, thành công của Axie Infinity đang tạo ra một xu hướng làm game blockchain khá sôi động trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng ứng dụng blockchain vào game không đơn thuần là việc các đơn vị chỉ cần phát hành ra một token. Trên thực tế, các đơn vị phát triển phải ứng dụng sâu hơn vào blockchain thì sản phẩm của họ mới được gọi là tựa game blockchain. “Có nhiều đơn vị đang cho rằng phát hành ra một tựa game rồi chỉ đơn giản là gắn nó với blockchain và token để dễ dàng trong việc gọi vốn hơn. Họ vẫn chưa nhìn nhận ra việc cần ứng dụng sâu hơn về lưu trữ dữ liệu trên blockchain là như thế nào”, ông Tùng Phan chia sẻ. 

Các nhà đầu tư có kinh nghiệm rất cân nhắc trong việc lựa chọn các đối tác. Theo đó, các nhà phát triển game cần phải thực sự hiểu xem họ đang làm gì, xây dựng sản phẩm thế nào, định hướng ra sao trong lĩnh vực này. Đồng thời, các quỹ đầu tư cũng sẽ quan tâm nhiều đến việc các studio đang ứng dụng blockchain trong các tựa game của họ như thế nào, đội ngũ của họ ra sao...

Còn theo ông Hùng Lee, Giám đốc tiếp thị ABI Games Studio, trong thời gian qua, cùng với việc áp dụng blockchain và token vào các dịch vụ và sản phẩm, các công ty và đơn vị phát triển các sản phẩm cũng gọi vốn dễ hơn nhiều. “Chúng tôi đã phát triển game 10 năm rồi, để gọi vốn đến 1 tỷ đồng thôi cũng đã cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, hiện nhiều studio game mới đã có thể gọi vốn đến 1-2 triệu USD. Có thể nói, blockchain và NFT giúp các studio gọi vốn dễ hơn và tạo ra trào lưu. Studio nào gần như cũng lao vào làm game blockchain và hy vọng có thể kiếm được tiền từ trào lưu này”, ông Hùng chia sẻ. 

Việc gắn blockchain vào hay phát hành token để gọi vốn là hai thứ khác biệt nhưng hiện đang dễ bị đánh đồng. Theo ông Phạm Minh Trí, trên thực tế, huy động vốn bằng phát hành đồng token dễ và đơn giản hơn nhiều so với việc huy động vốn theo cách truyền thống, đổi bằng cổ phần. “Vốn khi gọi được bằng token rất đắt so với vốn huy động theo cách truyền thống”, ông Trí nói. “Bởi khi các nhà đầu tư mua bằng token, họ đều không chỉ kỳ vọng giá trị tăng lên theo % mà tăng lên theo nhiều lần. Có những dự án thành công, giá trị của các đồng token thậm chí còn tăng lên hàng chục lần”.

Với các dự án ứng dụng blockchain, điều quan trọng nhất để các nhà đầu tư nhìn vào là những dự án đó mang lại các giá trị nào cho doanh nghiệp đó. Ví dụ, khi áp dụng blockchain vào sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt các chi phí, tăng cường hiệu quả hoạt động, giảm nhân lực trong quản lý sự minh bạch trong công ty... Hay các dự án ứng dụng blockchain có thể mang lại giá trị nhiều hơn cho người sử dụng hay cho khách hàng. “Đó là những điểm cộng giúp doanh nghiệp áp dụng blockchain tăng giá trị của mình khi tiến hành huy động vốn”, ông Trí nói.

Thời gian qua, Việt Nam nổi lên như một hiện tượng mới về blockchain và NFT trên thế giới. Nhiều ý kiến nhận xét người Việt nhanh nhạy xử lý thông tin, nắm bắt thời điểm, có khả năng làm quen nhanh với công nghệ mới. Không ít dự án và sản phẩm blockchain do người Việt sáng lập và thực hiện một cách bài bản đã trở thành hiện tượng toàn cầu như Kyber Network, Tomochain, Coin98 hay Axie Infinity. Những dự án này góp phần đưa Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên bản đồ blockchain toàn cầu. “Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ cho các startup và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, bởi đây là lĩnh vực chúng ta hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với thế giới”, ông Tùng Phan nhấn mạnh.