16:14 24/07/2024

Thực hiện chế độ ưu đãi cho giáo viên mầm non, đẩy mạnh xã hội hóa hiệu quả

Nguyệt Như

Để giáo dục mầm non tiếp tục có những chuyển biến, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh đến 3 nhóm vấn đề: công tác tham mưu cơ chế chính sách; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và vấn đề quản lý, quản trị...

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: MOET.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: MOET.

Ngày 23/7, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết, các điều kiện đảm bảo chất lượng ở bậc học mầm non chuyển biến tích cực. Phòng học kiên cố tăng 2.664, phòng học tạm giảm 689, phòng học nhờ/mượn giảm 491; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư.

Công tác phát triển đội ngũ được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn về trình độ đào tạo. Trong đó, tăng 6.646 giáo viên; giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm trở lên 91,3%, tăng 4,0%; trên chuẩn đạt 67,6%, tăng 2,5%; giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo còn 8,7%, giảm 4,0%.

Công tác phát triển mạng lưới trường, lớp, đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm và triển khai hiệu quả, tăng 4.891 nhóm/lớp, giảm được 1.283 điểm trường lẻ. Tỷ lệ huy động trẻ tăng, nhà trẻ 34,6%, tăng 2,5%; mẫu giáo đạt 93.6%, tăng 0,5%.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tuyển sinh, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, công khai chất lượng giáo dục được thực hiện hiệu quả.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Chính sách xã hội hoá đối với giáo dục mầm non mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, chưa đủ mạnh để huy động nguồn lực xã hội phát triển giáo dục mầm non. Đầu tư công cho giáo dục mầm non còn gặp khó khăn. Công tác quy hoạch, đầu tư tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân.

Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn chưa được khắc phục, chế độ chính sách cho giáo viên mầm non mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập. Còn xảy ra những tai nạn, thương tích đáng tiếc cho trẻ trong một số cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục…

Năm học 2024-2025, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát sắp xếp trường lớp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non; thực hiện các giải pháp huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường, lớp mầm non hướng đến thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 - 5 tuổi; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.

Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em; đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới...

THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI CHO GIÁO VIÊN, ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA HIỆU QUẢ

Tại Hội nghị, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở giáo dục đào tạo TP.HCM, cho biết thành phố hiện có 1.248 trường mầm non với số trẻ 340.746. Để đảm bảo chỗ học trẻ em mầm non, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, tạo tiền đề, động lực mới để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách về xã hội hoá giáo dục, xã hội hoá các trường mầm non có yếu tố nước ngoài. 

Đồng thời, có nhiều chính sách thu hút giáo viên mầm non; tạo sân chơi, gắn kết giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, để cha mẹ hiểu con hơn, hiểu giáo viên và cảm thông cho ngành giáo dục; tạo niềm tin của cha mẹ học sinh, hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi.

Còn ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở giáo dục đào tạo Bắc Giang, cho biết Sở đã triển khai một số hoạt động nhằm từng bước chuẩn bị điều kiện thực hiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đến từ việc thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên mầm non.

Do đó Sở giáo dục đào tạo Bắc Giang kiến nghị Bộ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để các đơn vị được tham gia thí điểm hiểu về Chương trình giáo dục mầm non mới và quy trình thí điểm; hỗ trợ kịp thời về các điều kiện trong quá trình triển khai thí điểm; có chế độ ưu đãi kịp thời đối với giáo viên trẻ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực tham gia tuyển dụng để đảm bảo đủ định biên giáo viên/lớp theo quy định.

Để giáo dục mầm non tiếp tục có những chuyển biến, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh đến 3 nhóm vấn đề: Công tác tham mưu cơ chế chính sách; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và vấn đề quản lý, quản trị.

Về chính sách là tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và Nghị quyết về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non. Cùng với đó, quan tâm tăng thu nhập của đội ngũ giáo viên trên cơ sở lương cơ bản mới, phụ cấp và chính sách hỗ trợ của địa phương để thầy cô yên tâm công tác. Tiếp đến là vấn đề xã hội hóa và quy hoạch mạng lưới trường lớp với giáo dục mầm non.

Với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Thứ trưởng nhấn mạnh 2 từ khóa là “vận động” và “an toàn”. Vận động để cải thiện thể trạng, thể lực, rèn luyện thể chất, từ đó phát triển trí tuệ và các kỹ năng cho trẻ. An toàn từ vệ sinh thực phẩm đến nuôi dưỡng chăm sóc... Từ đó, thực hiện tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Về quản lý, quản trị, Thứ trưởng cho rằng cần thay đổi nhận thức, vị thế, sự quan tâm đối với giáo dục mầm non, trước hết là trong nội bộ ngành. Cùng với đòi hỏi quyền lợi chính đáng thì chính chúng ta phải tự trưởng thành để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của phụ huynh, của xã hội, tránh xảy ra vi phạm, sai sót đáng tiếc.