Thuê bao Mobile Money: Nông thôn “bao vây” thành thị
Số tài khoản Mobile Money đang hoạt động (có phát sinh ít nhất một giao dịch trong vòng 6 tháng) đến cuối tháng 6/2022 là 1,72 triệu, chiếm 97,3% tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ (khoảng 1,76 triệu tài khoản)…
Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông còn cho biết, thuê bao di động sử dụng dịch Mobile Money tính đến thời điểm hiện tại tăng 4 lần so với tháng 1/2022, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng khoảng 20%.
Đáng chú ý, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 67% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ, còn lại 33% là ở đô thị. Điều này, như vậy, việc phát triển tài khoản Mobile Money bám khá sát chủ trương và mục tiêu phát triển dịch vụ này là chủ yếu hướng tới đối tượng xùng sâu vùng xa, người dùng ở nông thôn, miền núi… những nơi người dân chưa có tài khoản ngân hàng và chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tài chính.
Mặc dù đạt được tốc độ phát triển khá cao – 20%/tháng, nhưng so với số lượng thuê bao di động hiện nay của Việt Nam là 125 triệu thì tỷ lệ người dùng dịch vụ Mobile Money còn vô cùng nhỏ bé, chưa tạo được hiện tượng bùng nổ như nhiều dịch vụ viễn thông di động/gói cước trước đây khi có tốc độ tăng trưởng lên tới cả 100%/tháng.
Đặc biệt so với mục tiêu mà Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra tại tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch 2022, rằng mục tiêu năm 2022, 100% người sử dụng điện thoại di động có tài khoản Mobile Money, thì điều này gần như là bất khả thi. Đối với các doanh nghiệp viễn thông, để đưa được số thuê bao di động của mạng mình đăng ký dịch vụ Mobile Money lên tới 30 – 50%/tổng thuê bao trong năm 2022 này cũng được đánh giá là việc không dễ thực hiện.
Vì sao người dùng vẫn chưa mặn mà với Mobile Money? Đại diện một số nhà mạng từng cho VnEconomy biết nguyên nhân khiến tỷ lệ thuê bao Mobile Money còn thấp là bởi mở tài khoản rất chặt chẽ, người dùng phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: khách hàng phải cung cấp chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được định danh, xác thực theo các quy định.
Hay số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất ba tháng liền kề tính đến thời điểm dăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money; khách hàng chỉ được mở một tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.
Hoặc khách hàng/thuê bao trước đây sử dụng chứng minh nhân dân để đăng ký thuê bao di động và cơ bản đều đã chuyển sang căn cước công dân, thì nay số thuê bao đăng ký bằng chứng minh nhân dân (cũ) này cũng không được đăng ký mà phải ra điểm kinh doanh của nhà mạng cập nhật lại thì mới có thể được sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Thậm chí, lãnh đạo một nhà mạng còn thẳng thắn cho rằng, một việc mà hiện các doanh nghiệp viễn thông (đã cung cấp dịch vụ) chưa làm được là tiền vào tài khoản Mobile Money rồi nhưng không biết (để khách hàng) dùng/tiêu tiền đó vào việc gì. “Làm sao phải như Trung Quốc, bà hàng sén, tạp hóa bán hàng thu tiền qua Mobile Money thì dịch vụ này mới phát triển nhanh được”, vị lãnh đạo này nói.