Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục bứt phá, hướng đến mục tiêu 25 tỷ USD vào 2025
Thương mại điện tử Việt Nam vừa hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 18 - 20% doanh thu từ các giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp đến người tiêu dùng trong năm 2024. Dự báo, thị trường này sẽ chạm mốc 25 tỷ USD trong năm 2025…
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương trong 10 tháng năm 2024, thị trường thương mại điện tử từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) đã hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Dự kiến, sang năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.
CÁ NHÂN, TỔ CHỨC NỘP THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TĂNG MẠNH
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết tính đến thời điểm hiện tại, có 116 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, với tổng thu ngân sách đạt 19.774 tỷ đồng. Trong đó, số thu khai trực tiếp đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Các nền tảng lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix và Apple tiếp tục đóng góp một phần lớn vào nguồn thu này.
Cùng với sự gia nhập của các sàn thương mại điện tử quốc tế như Temu, Shein, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tổng số thuế từ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử trong 11 tháng đầu năm 2024 đã đạt khoảng 108.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này không chỉ thể hiện sự phát triển của ngành thương mại điện tử mà còn chứng minh rằng Việt Nam đang trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp nước ngoài.
Bên cạnh đó, thị trường thương mại điện tử trong nước cũng chứng kiến sự lớn mạnh của các sàn như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo. Với sự gia tăng mạnh mẽ từ các nền tảng này, dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt mốc 25 tỷ USD vào cuối năm 2024 và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2025.
DỰ ĐOÁN THỊ TRƯỜNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NĂM 2025
Theo báo cáo từ NielsenIQ, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Áp lực lạm phát và hàng hóa tăng giá đã khiến 50% người tiêu dùng Việt Nam chỉ chi tiêu cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản. Trong đó, tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm trong tổng thu nhập tăng từ 50% lên 54% trong quý III/2024.
Đồng thời, hành vi mua sắm của người Việt đang có xu hướng chuyển dịch từ kênh bán lẻ truyền thống như chợ, tạp hoá sang siêu thị tiện lợi và trên các nền tảng thương mại như Shopee, TikTokShop,...để có thể tận dụng các ưu đãi, giảm giá cũng như thuận tiện về thanh toán.
Theo báo cáo về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử từ 35-45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Đặc biệt, các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop, với TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần thương mại điện tử trong năm 2024. Khả năng cá nhân hóa trải nghiệm và kết hợp mua sắm với giải trí khiến các nền tảng mua sắm trực tuyến này đang nhanh chóng thu hút đông đảo giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Trong đó, 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa, và 21% mua ngay lập tức. Điều này minh chứng thương mại điện tử đang dần thúc đẩy sự phát triển của mô hình mua sắm đa kênh.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh tại Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023 (báo cáo của Bộ Công Thương). Đặc biệt, 72% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng cao của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Báo cáo từ AppotaPay cũng nhấn mạnh rằng, tiêu dùng bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố bắt buộc để hàng hóa Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường quốc tế. Dự báo trong năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, cho biết: “Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”.
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi trong hành vi tiêu dùng và tốc độ phát triển của công nghệ vừa là những dấu hiệu tích cực, vừa là thách thức cho ngành thương mại điện tử năm 2025. Để không bị tụt lại phía sau, các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
“Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”, ông Trần Minh Tuấn nhận định.