Thương mại song phương Việt Nam – Singapore tiếp tục duy trì mạch tăng trưởng
Sau 7 tháng năm 2024, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 18,32 tỷ đô la Singapore (SGD), tăng 9,02% so với cùng kỳ năm trước…
Dẫn số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, cho biết sau nhiều tháng suy giảm hoặc chỉ tăng trưởng ở mức thấp, tình hình thương mại của Singapore với thế giới trong tháng 7/2024 đã tăng trưởng mạnh với tất cả các chỉ tiêu kim ngạch đều tăng trên 10%. Góp phần vào kết quả đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore cũng tiếp tục duy trì mạch tăng trưởng rất tốt.
Cụ thể, trong tháng 7/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 3,14 tỷ SGD, tăng 20,91% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao (36,25%) với giá trị 763,9 triệu SGD, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng trưởng ở mức cao (16,7%), đạt hơn 2,38 tỷ SGD.
Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 18,32 tỷ SGD, tăng 9,02% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu đạt hơn 4,7 tỷ SGD, tăng mạnh ở mức 27,03%, và nhập khẩu đạt hơn 13,61 tỷ SGD, tăng 3,93%.
Về nhóm ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore, trong tháng 7/2024, cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore tiếp tục tăng mạnh, cụ thể: nhóm máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 22,86%); lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 68,21%); thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng 94,61%).
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành xuất khẩu khác cũng có mức tăng trưởng rất mạnh như: sắt thép (tăng hơn 12 lần); máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại (tăng 3 lần)... Ở chiều ngược lại, một số nhóm có mức sụt giảm khá mạnh là giấy và các sản phẩm từ giấy (giảm 35,86%); quần áo may mặc (giảm 23,65%)…
Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam, có 16/21 nhóm ngành hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng dương, trong đó các nhóm nhập khẩu chủ lực tăng so với cùng kỳ là nhóm máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 30,84%); nhóm lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 53,28%); nhóm xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 1,05%). Một số nhóm khác có mức tăng rất mạnh như: thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá (tăng 1,5 lần); ngọc trai, đá quý, và các sản phẩm kim hoàn (tăng gần 2,27 lần)...
Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cho biết ngày 13/8/2024 Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) đã thu hẹp khoảng dự báo tăng trưởng GDP của nước này cho cả năm 2024 là từ 2% đến 3%, thay cho dự báo mức cũ là 1% đến 3%.
Ngưỡng dự báo này được đưa ra xuất phát từ đánh giá của Singapore, theo đó môi trường kinh tế toàn cầu nửa cuối năm 2024 dự kiến sẽ vẫn thách thức, như tăng trưởng ở Hoa Kỳ dự kiến sẽ chậm lại, do sự gia tăng chi phí vay ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa; nền kinh tế Khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh dự kiến sẽ gần như đình trệ, do sự ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt lên chi tiêu tiêu dùng và đầu tư. Tại Trung Quốc, sự tăng trưởng của nền kinh tế dự kiến sẽ còn yếu đi do sự ảnh hưởng từ sự điều chỉnh thị trường bất động sản kéo dài.
Về các yếu tố rủi ro, Singapore đánh giá các rủi ro chính đối với triển vọng kinh tế, bao gồm: sự phục hồi kinh tế toàn cầu chưa thực sự bền vững, các biến động địa chính trị toàn cầu và biến động trong thị trường tài chính. Các rủi ro này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu xuất khẩu và sự ổn định tài chính của Singapore.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Singapore vẫn được hỗ trợ bởi một số yếu tố, đặc biệt là nhu cầu tăng mạnh về các sản phẩm điện tử cao cấp (như chip liên quan đến AI), dự kiến sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của ngành sản xuất điện tử. Ngoài ra, xu thế gia tăng của ngành du lịch toàn cầu cũng sẽ hỗ trợ cho ngành du lịch của Singapore. Do đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã dự báo mức tăng trưởng ở kịch bản tốt hơn và thu hẹp khoảng dự báo chính xác hơn so với đầu năm.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ tiếp tục cập nhật tình hình, cơ chế và chính sách của địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm Việt Nam, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore; hỗ trợ các đoàn công tác từ Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.