10:23 25/02/2022

Tiền ảo có thể thành "cứu tinh" để giới giàu Nga tránh các lệnh trừng phạt?

Hoài Thu

Hàng triệu người Nga đã tham gia vào thế giới tiền ảo và đang sở hữu tài sản tiền ảo trị giá hơn 2.000 tỷ Rúp (tương đương 22,9 tỷ USD)...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/2 cho biết Washington và các đồng minh đã đưa ra một loạt “biện pháp trừng phạt mạnh mẽ bổ sung” nhằm vào Nga để đáp trả những hành động quân sự của Moscow tại Ukraine.

Các biện pháp này nhằm hạn chế khả năng kinh doanh bằng USD, Bảng Anh hoặc Yên của Nga, đồng thời bao gồm lệnh trừng phạt với 5 ngân hàng lớn nhất của Nga với tổng tài sản ướng tính khoảng 1.000 tỷ USD. Một loạt nhân vật trong giới tinh hoa của Nga và gia đình họ cũng là mục tiêu của các lệnh trừng phạt.

Đây là các biện pháp bổ sung cho các lệnh trừng phạt mà Mỹ công bố trước đây nhằm vào nhiều tổ chức tài chính và cá nhân giàu có của Nga cùng gia đình họ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những lệnh trừng phạt này có thể ít ảnh hưởng tới Nga – quốc gia đang tiến tới hợp pháp hóa tiền ảo và là nơi tài sản kỹ thuật số đã được sở hữu rộng rãi.

GIẢI PHÁP CỨU CÁNH

Thông thường, các quốc gia bị cấm vận sử dụng các giải pháp vật lý để tránh lệnh trừng phạt, ví dụ như Venezuela và Triều Tiên dùng phương thức chuyển tải giữa các tàu (ship-to-ship transfer) để vận chuyển nghiên liệu. Tuy nhiên, hiện tại, việc sử dụng tài sản kỹ thuật số như tiền ảo và sàn giao dịch phi tập trung có thể trở thành cách hiệu quả nhất để tránh các lệnh trừng phạt.

“Kể cả các nhà lãnh đạo quốc gia hay nhà hoạt động nhân quyền đều không vấp phải bất kỳ sự kiểm duyệt nào trên mạng lưới của Bitcoin”, Matthew Sigel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số của hãng quản lý đầu tư VanEck.

Giới phân tích nhận định, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ cùng đồng minh áp đặt lên các công ty và cá nhân Nga về cơ bản có thể cô lập họ khỏi thế giới phương Tây. Tuy nhiên, giới tỷ phú – trong đó một số đã là mục tiêu – có khả năng tránh được lệnh trừng phạt nếu họ sử dụng tiền ảo với công nghệ chuỗi khối (blockchain) để giúp ẩn danh các giao dịch của mình. Tiền điện tử có thể giúp họ mua hàng hóa và dịch vụ, cũng như đầu tư vào các tài sản bên ngoài nước Nga mà các ngân hàng và tổ chức tài chính ở đó không thể phát hiện giao dịch.

Người Nga đang sở hữu tài sản tiền ảo trị giá hơn 2.000 tỷ Rúp (tương đương 22,9 tỷ USD) - Ảnh: Bloomberg
Người Nga đang sở hữu tài sản tiền ảo trị giá hơn 2.000 tỷ Rúp (tương đương 22,9 tỷ USD) - Ảnh: Bloomberg

“Nếu hai người hoặc hai tổ chức muốn làm ăn kinh doanh với nhau nhưng không thể giao dịch qua hệ thống ngân hàng, họ có thể làm vậy với Bitcoin”, Mati Greenspan - người sáng lập, CEO của hãng tư vấn tài chính Quantum Economics, cho biết. “Nếu một cá nhân giàu có lo ngại về việc tài khoản của mình bị đóng băng do lệnh trừng phạt, họ đơn giản chỉ cần lưu giữ tài sản của mình qua Bitcoin để được bảo vệ khỏi những trừng phạt đó”.

Theo Bloomberg, không giống như các loại tiền pháp định, vốn cần được chuyển các tổ chức thuộc bên thứ ba - có khả năng theo dõi, đóng băng và chặn dòng tiền - tiền ảo có thể được gửi trực tiếp từ người này cho người khác mà không phải lo lắng về lệnh hạn chế hay trừng phạt của các chính phủ.

Người sở hữu tiền ảo cũng có thể mở nhiều ví ảo với nhiều địa chỉ khác nhau trên nhiều sản giao dịch tiền ảo. Điều này khiến cho việc theo dõi các hoạt động trở nên cực kỳ khó khăn và càng khó hơn nữa để liên hệ các giao dịch với một cá nhân cụ thể. Ngoài ra, họ cũng có thể chọn các sàn tiền ảo không đặt trụ sở tại các khu vực pháp lý đang áp lệnh trừng phạt.

LIỆU CÓ DỄ?

Tuy vậy, các chuyên gia cũng nói rằng không dễ để chuyển tài sản lưu trữ bằng tiền ảo thành tiền pháp định. Bên cạnh đó, để tránh việc bị các ngân hàng hay thậm chí các sàn giao dịch thực thi lệnh trừng phạt, các cá nhân sẽ phải thuyết phục đối tác kinh doanh của mình chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử - điều không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, nhiều sàn giao dịch hiện có thể theo dõi và quét ví tiền ảo từ những nước bị cấm vận.

“Cho rằng rửa tiền qua tiền ảo dễ dàng là sai lầm”, Brett Harrison, Chủ tịch sàn FTX US, cho biết. “Các sàn giao dịch sở hữu công nghệ cho phép theo dõi và quét ví điện tử đến từ những nước bị cấm vận. Ngoài ra, các cá nhân cũng gặp khó khăn khi chuyển tiền ảo sang tiền pháp định qua các sàn giao dịch tập trung mà không bị phát hiện và việc tiêu tiền ảo càng khó hơn”.

Trong bài phát biểu trước truyền thông tại Nhà Trắng ngày 24/2, ông Biden cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh sẽ nhằm vào những người giàu Nga “được hưởng lợi từ các chính sách của điện Kremlin”. Đến nay, chưa có tỷ phú nào trong danh sách bị trừng phạt công khai tiết lộ về việc họ có sở hữu tiền ảo hay không.

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty Images
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty Images

Tại Nga, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc hợp pháp hóa tiền ảo. Trong khi Chính phủ đang thúc đẩy việc cấp phép sử dụng để thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy giao dịch nội địa, thì Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) lại cho rằng tiền ảo có dấu hiệu của mô hình kim tự tháp đa cấp và nên bị cấm. Đến nay, các quan chức Chính phủ Nga vẫn chưa đi đến thống nhất về việc sẽ quản lý tiền ảo thế nào.

Nguồn tin của Bloomberg tháng trước cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ đề xuất đánh thuế và quản lý hoạt động khai thác tiền ảo và phản đối đề xuất cấm hoàn toàn tiền ảo của BoR. 

Theo một tài liệu gần đây của Chính phủ, hàng triệu người Nga đã tham gia vào thế giới tiền ảo và đang sở hữu tài sản tiền ảo trị giá hơn 2.000 tỷ Rúp (tương đương 22,9 tỷ USD).

Còn theo dữ liệu từ cổng thanh toán TripleA, có trụ sở tại Singapore, hơn 17 triệu người Nga, tức khoảng 12% dân số, hiện sở hữu tiền ảo. Giới quan sát cho rằng, với việc Nga bị áp thêm nhiều lệnh trừng phạt, Moscow có thể tiến tới cho phép các cá nhân giàu có giao dịch bằng tiền ảo, bất chấp tính pháp lý.

“Mâu thuẫn quan điểm cũng chẳng sao. Họ sẽ giải quyết vấn đề khi có thể làm vậy”, ông David Tawil, Chủ tịch công ty đầu tư tiền ảo ProChain Capital, nhận xét. “Kể cả Mỹ hiện cũng đang vật lộn với việc xác định khung pháp lý cũng như xây dựng các quy định với tiền ảo. Tôi cho rằng phần lớn hoạt động liên quan tới tiền ảo tại Nga sẽ nhanh chóng bắt nhịp với các động thái của Chính phủ”.

Các quốc gia liên quan tới Liên Xô cũ cũng ngày càng quan tâm tới lĩnh vực này. Tuần trước, Quốc hội Ukraine đã nhất trí về một dự luật hợp pháp hóa tiền ảo. Trong khi đó, Kazakhstan cũng đang tiến tới việc quản lý và đánh thuế ngành công nghiệp khai thác tiền ảo.