08:44 14/09/2023

Tiến hành lựa chọn nhà thầu dự án Trạm biến áp hơn 1.400 tỷ tại Thanh Hóa

Song Khánh

Hiện nay, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đang tiến hành lựa chọn nhà thầu dự án xây dựng Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa. Đây là dự án trọng điểm nhóm A về năng lượng, khi hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trên diện rộng tại khu vực phía Bắc...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đường dây 500 kV Quỳnh Lưu-Thanh Hóa được xây dựng mới nhằm tăng cường năng lực truyền tải Bắc Trung Bộ-Bắc Bộ. Dự án do EVNNPT làm chủ đầu tư.

Dự án có quy mô xây dựng đường dây 500 kV mạch kép, dài 91,6 km. Tuyến đường dây đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 74,4km (qua các huyện Như Thanh, Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn và Thiệu Hóa).

Sau khi hoàn thành, cùng với các đoạn tuyến còn lại từ Quảng Trạch - Phố Nối giúp nâng cao năng lực truyền tải trục Bắc -Trung (tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức 2.200 MW lên khoảng 5.000 MW). Trong đó, bao gồm cung ứng điện cho tỉnh Thanh Hóa qua TBA 500 kV Thanh Hóa với tổng quy mô công suất 1.800 MW, trước mắt trang bị 2 máy biến áp với quy mô công suất 1.200 MW (cấp điện cho TP. Thanh Hóa và các khu vực khác của tỉnh như Sầm Sơn, Hậu Lộc...).

Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa được đặt tại xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Được biết, diện tích móng cột chiếm vĩnh viễn phải chuyển đổi mục đất sử dụng là 40,82 ha. Trong đó đất lúa 2 vụ là 11,68 ha; đất rừng phòng hộ là 7,62 ha; đất rừng sản xuất là 14,54 ha và đất khác là 6,98 ha.

Diện tích hành lang tuyến cần 291,84 ha; trong đó đất lúa 2 vụ là 115,28 ha; đất rừng phòng hộ là 38,73 ha; đất rừng sản xuất là 59,8 ha và đất khác là 78,84 ha. Diện tích đất ảnh hưởng do thi công làm đường tạm cũng được tính là 114,6 ha gồm đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất và đất ngoài lâm nghiệp.

Công trình cũng được liệt vào công trình năng lượng cấp đặc biệt nhóm A với thời gian hoạt động là 40 năm. Thời gian thực hiện dự án được dự kiến từ năm 2023 đến năm 2025, phấn đấu đóng điện vào tháng 6/2024. Tổng mức đầu tư sơ bộ là hơn 4.116 tỷ đồng.

Tại dự án này, tỉnh Thanh Hóa là nơi ảnh hưởng chính với 11,68 ha đất lúa vĩnh viễn và 115,28 ha hành lang tuyến. Dự án cũng cần chuyển đổi mục đích sử dụng với 2,905 ha đất rừng rừng nhiên và 9,695 ha đất rừng trồng. Dự án được tính toán có thời gian hoàn vốn là 7 năm.

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia chuẩn bị triển khai Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đợt 4 - Dự án Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa (tổng mức đầu tư 1.444,462 tỷ đồng).

Theo đó, trong tháng 9/2023 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với 2 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu mua sắm hàng hóa, 1 gói thầu bảo hiểm xây dựng công trình, 1 gói thầu tư vấn.

Các gói thầu mua sắm hàng hóa gồm: Gói thầu số 8 Cung cấp và vận chuyển vật tư thiết bị nhất thứ, cách điện, cáp quang và phụ kiện (219,700 tỷ đồng); Gói thầu số 9 Cung cấp và vận chuyển vật tư thiết bị nhị thứ, thiết bị thông tin (bao gồm lắp đặt và thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị thông tin) (106,835 tỷ đồng); Gói thầu số 11 Cung cấp và vận chuyển cột thép cho đường dây đấu nối (78,935 tỷ đồng); Gói thầu số 12 Cung cấp và vận chuyển dây dẫn, dây chống sét (30,240 tỷ đồng). Các gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước, trừ Gói thầu số 9 đấu thầu rộng rãi nội khối, cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP, các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu; Gói thầu số 8 được đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Trong đó, 2 gói thầu xây lắp được tổ chức đấu thầu gồm: Gói thầu số 7 Xây lắp trạm (không bao gồm lắp đặt máy biến áp 500 kV) có giá gói thầu 228,144 tỷ đồng; Gói thầu số 10 Xây lắp đường dây 220 kV đấu nối (126,447 tỷ đồng).