Tiền rút mạnh khỏi nhóm blue-chips
Sau phiên đáo hạn phái sinh ép trụ mạnh hôm qua, thị trường phục hồi nhẹ sáng nay. Cổ phiếu VN30 tăng giá khá nhiều, nhưng lại không có mã dẫn dắt đủ mạnh, đồng thời thanh khoản bất ngờ sụt giảm xuống thấp nhất 20 phiên...
Sau phiên đáo hạn phái sinh ép trụ mạnh hôm qua, thị trường phục hồi nhẹ sáng nay. Cổ phiếu VN30 tăng giá khá nhiều, nhưng lại không có mã dẫn dắt đủ mạnh, đồng thời thanh khoản bất ngờ sụt giảm xuống thấp nhất 20 phiên.
Ảnh hưởng của phiên đáo hạn phái sinh rõ nhất là trên các cổ phiếu blue-chips VN30 vì chỉ số này là chỉ số cơ sở. Đại đa số cổ phiếu rổ này hôm nay tăng, nhưng mức tăng quá nhẹ trong khi hai phiên trước giá giảm mạnh.
VN30-Index hồi lại trên tham chiếu 0,27%, 3 mã trụ duy nhất tăng trên 1% là VNM tăng 1,01%, GVR tăng 2,96%, SAB tăng 2,43%. SAB và GVR không phải trụ của VN30 nên ảnh hưởng chủ đạo là VN-Index. Chỉ số này tăng 0,41% so với tham chiếu.
Diễn biến tăng đáng chú ý nhất vẫn là nhịp mở cửa. Cả VN-Index lẫn VN30-Index đều đạt đỉnh ngay vài phút đầu tiên. VN-Index đạt đỉnh 1392,78 điểm, tăng 0,58% so với tham chiếu, VN30 đạt đỉnh tăng 0,6%. Trong toàn bộ thời gian còn lại của phiên sáng, các chỉ số chỉ đi ngang trong biên độ rất hẹp. Đặc biệt VN30 dao động từ 10h trở đi không tới được 0,2% tối đa. Điều này là do động lực giá của đa số cổ phiếu blue-chips đều kém.
Nếu so sánh với biên độ giảm giá của phiên đáo hạn hôm qua, hầu hết các mã tăng trong nhóm VN30 sáng nay đều chưa tới được 50%. Thanh khoản sụt giảm đáng kể ngay cả với các mã giao dịch lớn như HPG. Thậm chí trong Top 20 giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay, chỉ có 5 mã thuộc Vn30 là HPG, TCB, VNM, SSI và VHM.
Tính chung nhóm VN30 khớp lệnh chỉ đạt 3.170,6 tỷ đồng, giảm 24% so với sáng hôm qua và ở mức thấp nhất 20 phiên trở lại đây. Trong 5 cổ phiếu thanh khoản nhất rổ nói trên, duy nhất VNM, VHM là tăng, còn lại đều giảm giá. Điều này cũng đồng nghĩa với thanh khoản co rút lại nghiêm trọng ở những cổ phiếu tăng giá – vì độ rộng rổ này đang áp đảo ở phía tăng. Cổ phiếu thanh khoản nhất sau 2 mã này và tăng giá là GVR, với xấp xỉ 129 tỷ đồng giao dịch, giá tăng 2,96%.
Mặc dù VN30 giảm giao dịch đáng kể, thanh khoản chung của HoSE lại không giảm so với sáng hôm qua. Như vậy thanh khoản phải mạnh ở các nhóm cổ phiếu khác. Thực vậy, rổ Midcap đang giao dịch rất tích cực với 4.116,2 tỷ đồng, Smallcap đạt 2.368 tỷ đồng. Trong hai nhóm này có những cổ phiếu thanh khoản rất cao như KBC khớp 343,6 tỷ đồng, giá tăng 2,93%; DIG khớp 262 tỷ, giá tăng 3,76%; DXG khớp 223 tỷ, giá tăng 3,22%...
Dòng tiền có tín hiệu rút mạnh khỏi nhóm blue-chips VN30, trong đó suy yếu rõ nhât là các mã ngân hàng. Nhóm này sau khi duy trì được giao dịch khá tích cực nhờ yếu tố hỗ trợ từ kết quả kinh doanh, đã bắt đầu có tín hiệu thoái trào. Sáng nay cổ phiếu ngân hàng phân hóa, các mã tăng giá đều không mạnh, tốt nhất là VCB cũng chỉ tăng được 0,53%. Trong 27 mã ngân hàng trên cả 3 sàn, có 10 mã tăng thì mạnh nhất là SGB chỉ “tăng trộm” trên tham chiếu 0,57% khi thậm chí còn không có dư mua giá tham chiếu. 12 mã ngân hàng khác đang giảm giá.
Nhìn chung các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tăng không rõ ràng về nhóm ngành. Hiện các mã khai khoáng, đặc biệt là than, tăng tốt nhất, nhưng rải rác ở HNX và UpCOM, ít có vài trò trên HoSE. TVD, TC6, HLC, MDC, NBC, THT, TDN đang tăng giá kịch trần nhưng thanh khoản cao nhất cũng tầm chục tỷ đồng trở xuống. HoSE có 15 cổ phiếu kịch trần, khó phân loại theo nhóm ngành mà chủ yếu là được đầu cơ riêng lẻ như TEG, C32, CTI, PSH, SCR, SAM, LCG, HCD....
Mặc dù thanh khoản ở nhóm tăng giá tốt nói trên không nhiều, nhưng cũng phù hợp với mức vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Sàn HoSE chốt phiên sáng vẫn có 200 mã tăng/219 mã giảm. HNX cũng có 121 mã tăng/102 mã giảm. Điều này thể hiện sự phân hóa và nhà đầu tư nếu tham gia các mã nhỏ vẫn có thể kiếm lời tốt. Điều này có thể khiến dòng tiền tiếp tục thoát khỏi các blue-chips, ưu tiên nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giao dịch yếu, chỉ mua vào 454,5 tỷ đồng, bán ra 543,6 tỷ đồng, tương đương mức ròng 89 tỷ. VNM được mua ròng tốt nhất với gần 80 tỷ đồng. VHM, MBB, PDR là 3 mã duy nhất có mức ròng quanh 20 tỷ đồng trở lên. Phía bán có NLG -66 tỷ, VRE, DPM trên 32 tỷ đồng.