12:04 15/10/2021

Tiền vào blue-chips đột ngột giảm, VN-Index lại “loạng choạng” trước mốc 1.400

Kim Phong

Sau 3 phiên dập dình thất bại, thị trường đang đứng trước cơ hội lớn đột phá qua mốc tâm lý 1.400 điểm và sáng nay tới hai lần VN-Index tiến sát mốc này. Tiếc là không có trụ nào đủ xuất sắc để tạo khác biệt...

VN-Index sáng nay có thêm 2 lần thử thách mốc 1.400 điểm.
VN-Index sáng nay có thêm 2 lần thử thách mốc 1.400 điểm.

Sau 3 phiên dập dình thất bại, thị trường đang đứng trước cơ hội lớn đột phá qua mốc tâm lý 1.400 điểm và sáng nay tới hai lần VN-Index tiến sát mốc này. Tiếc là không có trụ nào đủ xuất sắc để tạo khác biệt.

VN-Index bật tăng mạnh lên đỉnh 1398,7 điểm ngay 20 phút sau khi mở cửa rồi lại lùi xuống. Đến 10h50 lại có thêm một nhịp “rướn” nữa lên 1398,33 điểm, rồi lại thoái lui. Chốt phiên sáng chỉ số đang ở 1397,32 điểm, tăng 0,39% hay 5,47 điểm so với tham chiếu.

VN30 tăng 0,44% và có 23 mã tăng/6 mã giảm, nhưng không có cổ phiếu nào nổi bật. Hai mã vốn hóa lớn khá nhất là HPG tăng 1,23% và SAB tăng 1,5%. Hai mã này đóng góp 1,2 điểm cho VN-Index, tức là cũng không đáng kể.

Số lớn mã tăng nhưng trụ thì kém. Đó là hạn chế đối với VN-Index trong phiên sáng nay. VIC tăng 0,43%, VCB tăng 0,21%, TCB tăng 0,19%, CTG tăng 0,33%, GAS tăng 0,63%, BID tăng 0,38%, VNM tăng 0,44% trong khi VHM giảm 0,13%. Với dàn trụ này, chỉ số dập dình đi ngang là điều dễ hiểu.

Một điều cũng khá thất vọng là ở thời điểm quan trọng như ngưỡng 1400 điểm, dòng tiền vào blue-chips lại rất ít. Sáng nay giao dịch trong nhóm VN30 mới đạt gần 3.353 tỷ đồng, giảm 22% so với sáng hôm qua, trở thành phiên sáng tệ nhất 11 phiên gần đây.

Trong 10 cổ phiếu thanh khoản nhất sàn HoSE tính theo giá trị khớp lệnh, chỉ có 5 mã thuộc rổ VN30. HPG dẫn đầu với 561 tỷ đồng nhưng TCB chỉ đứng thứ 3, PDR đứng thứ 6 còn STB và VPB xếp chót. Thậm chí nếu mở rộng ra Top 20 (bao gồm cả HNX) thì rổ VN30 chỉ đóng góp 8 mã.

Với mức thanh khoản rất thấp này, cổ phiếu tăng giá được là nhờ sức ép bán ra cũng rất thấp. Đây là điều kiện thuận lợi để cổ phiếu lên giá. Dù vậy điều quan trọng là biên độ tăng có rộng hay không lại phụ thuộc vào cầu mua có nâng giá hay không.

Blue-chips không yếu, nhưng cũng chẳng đủ xuất sắc để kéo VN-Index.
Blue-chips không yếu, nhưng cũng chẳng đủ xuất sắc để kéo VN-Index.

Độ rộng chung trên HoSE cuối phiên sáng khá tốt, nhờ 227 mã tăng/171 mã giảm. Nhóm smallcap vẫn tốt nhất, chỉ số tăng 0,93%, với 97 mã tăng/66 mã giảm. Toàn sàn này có 8 mã kịch trần thì 6 mã thuộc nhóm vốn hóa nhỏ.

Giao dịch không sôi động ngay cả với các cổ phiếu đầu cơ và tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn giảm 11% so với sáng hôm qua cho thấy giao dịch có phần hạ nhiệt, dù giá cổ phiếu vẫn không tệ. HSG, NKG, DPM là những cổ phiếu thuộc Top 10 thanh khoản thị trường vẫn tăng giá trên 1%. Khá nhiều mã vừa và nhỏ khác tăng giá tương tự với giao dịch trên trăm tỷ đồng như DIG, OCB, PAN, IJC, ASM. Dòng tiền vẫn tập trung vào “đánh sóng” các mã cụ thể hơn là quan tâm tới blue-chips hay VN-Index có vượt đỉnh được hay không.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giảm giao dịch đáng kể. Tổng giá trị mua vào trên HoSe chỉ là 557 tỷ đồng, bán ra cũng chỉ 623 tỷ đồng, tương ứng mức mua ròng hơn 66 tỷ. PAN bị bán ròng 93 tỷ đồng, KBC xấp xỉ 45 tỷ là đáng chú ý nhất. Phía mua chỉ có CTG và STB là trên 20 tỷ đồng.

Việc VN-Index ngập ngừng chưa vượt được ngưỡng 1400 điểm chủ yếu do hạn chế về mặt kỹ thuật, khi thiếu đi cổ phiếu dẫn dắt đủ ảnh hưởng. Những mã lớn nhất như VIC, VHM, VCB đều chưa biến động mạnh hơn do dòng tiền quá kém. VIC chỉ đứng thứ 40 về thanh khoản trên HoSE với giao dịch chưa tới 70 tỷ đồng; VCB đứng thứ 95 với hơn 26 tỷ đồng.