08:30 04/05/2022

Tiêu chí nào để đánh giá trái phiếu doanh nghiệp?

Kiều Linh

Tại thị trường vốn Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm vẫn là một khái niệm mới mẻ với nhiều nhà đầu tư cho đến khi 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ.

Xếp hạng tín nhiệm là cơ chế đánh giá các tổ chức phát hành và công cụ nợ được thực hiện bởi một bên thứ ba độc lập đánh giá dựa trên các nguồn dữ liệu khác nhau, từ đó đưa ra ý kiến về khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính của một doanh nghiệp cụ thể. 

Trên thế giới, khái niệm sử dụng các đơn vị xếp hạng tín nhiệm để đánh giá mức độ rủi ro của một khoản nợ đã xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XX, khi 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn được hình thành gồm: Moody, Poors Publishing Company, Fitch Publishing Company. Mặc dù, có rất nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm khác đã được thành lập trong những năm sau đó, các đơn vị xếp hạng tiên phong bao gồm: Fitch, Moodys và Standard & Poors (S&P) vẫn chiếm thị phần lớn nhất.

Tại thị trường vốn Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm vẫn là một khái niệm mới mẻ với nhiều nhà đầu tư cho đến khi 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ.

XẾP HẠNG TÍN NHIỆM HAY TÀI SẢN ĐẢM BẢO QUAN TRỌNG HƠN?

Tại thị trường Việt Nam, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đã đưa ra lộ trình phát triển cho ngành xếp hạng tín nhiệm với kế hoạch cấp phép tối đa cho 5 đơn vị cho đến thời điểm năm 2030

Hiện nay, đơn vị xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp thời điểm hiện tại được thực hiện chủ yếu bởi FiinRatings - thuộc Tập đoàn FiinGroup. Số liệu từ đơn vị này cho thấy, trong năm 2021 có khoảng 4 doanh nghiệp được FiinGroup xếp hạng tín nhiệm. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị này cũng đưa ra xếp hạng tín nhiệm với hàng loạt doanh nghiệp như: Công ty Chứng khoán MBS, Công ty CP Đầu tư Văn Phú, Bất động sản An Gia, Nhà Khang Điền.

Hầu hết các doanh nghiệp được FiinGroup xếp hạng đều ở mức triển vọng ổn định, điều này đặt ra vấn đề là những doanh nghiệp tình hình tài chính tốt sẽ sẵn sàng chờ để được xếp hạng tín nhiệm, củng cố hồ sơ tín dụng, trong khi đó với những doanh nghiệp sức khỏe tài chính kém hơn, năng lực trả nợ có vấn đề lại không muốn thực hiện nhiệm vụ này. Mặt khác, không loại trừ các doanh nghiệp chi trả một mức tiền cao hơn để "làm đẹp" định mức tín nhiệm. Do đó, về tổng thể thì việc xếp hạng tín nhiệm không mang lại nhiều vai trò hữu ích cho nhà đầu tư và thị trường vốn.

Bình luận về vai trò của xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐQT VietinBank Capital, cho rằng xếp hạng tín nhiệm là một chỉ báo giúp cho nhà đầu tư lựa chọn khẩu vị đầu tư của mình có phù hợp với trái phiếu đấy hay không. Tuy nhiên, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu không đảm bảo đi đến tận cuối con đường, tức là doanh nghiệp liệu có khả năng hoàn trả được vốn trả lại cho nhà đầu tư hay không, mà chỉ giúp cho nhà đầu tư nhận thức được tại thời điểm phát hành, định mức tín nhiệm của dự án hoặc của doanh nghiệp đang ở mức độ nào.

Toàn bộ quá trình sau đấy vẫn phải theo dõi xem quá trình sử dụng vốn ra sao, dự án phát triển tiếp tục như thế nào, tiến độ pháp lý có được cải thiện qua từng năm, dòng tiền chi ra thì tiến độ nâng cao lên hay không? Công trình có được mọc lên hay không? Sản phẩm có được ra hay không? Thị trường có đón chờ hay không?.. Đó mới là điều quan trọng bởi lúc đấy dòng tiền trở lại quay trở lại để trả lại cho trái chủ.

Do đó, với một thị trường non trẻ như Việt Nam, trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, tài sản đảm bảo vẫn quan trọng hơn. Tài sản đảm bảo là một yếu tố then chốt để cho nhà đầu tư có niềm tin hơn. Nếu không có tài sản đảm bảo thì phải có định mức tín nhiệm, nhưng nếu có tài sản đảm bảo rồi thì việc xếp hạng có thể giảm nhẹ được. Chuẩn mực thế giới cũng cho thấy, phát hành trái phiếu riêng lẻ không yêu cầu bắt buộc phải có định mức tín nhiệm.

"Tuy nhiên, những lần phát hành riêng lẻ thông thường người ta vẫn xếp hạng. Bởi vì quy mô lớn. Người mua vẫn có mong muốn với khoản đầu tư vài trăm triệu USD thì phải có xếp hạng", đại diện Vietinbank Capital nhấn mạnh.

Tiêu chí nào để đánh giá trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 1

XẾP HẠNG GIÚP NHÀ ĐẦU TƯ HIỂU RÕ VỀ TRÁI PHIẾU

Không đồng tình với quan điểm của ông Đức, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm, Nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, FiinGroup, cho rằng cần thiết xếp hạng tín nhiệm theo thông lệ quốc tế để giải quyết các vấn đề thị trường hiện nay.

Theo đại diện FiinGroup, đang có sự bất cân xứng thông tin giữa các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Ví dụ, thời gian gần đây, nhiều hội nhóm zalo, group được lập ra, môi giới chào mời mua trái phiếu ACB hay phím ba chữ cái XYZ nhưng nhiều nhà đầu tư F0, nhà đầu tư nhỏ lẻ không hiểu đó là trái phiếu gì, mục đích đầu tư là gì, doanh nghiệp này có công ty mẹ là ai...

Trong khi đó, chúng ta không thể ngăn cấm nhà đầu tư mua trái phiếu vì nếu muốn mua họ sẽ tìm ra cách. Cũng không thể chặn cả cung lẫn cầu trái phiếu bởi nhiều người có tiền đang không biết đầu tư vào đâu, nếu không đầu tư trái phiếu có thể sẽ mang đi đầu tư coin hay kênh nào đó mà pháp luật không bảo vệ, rủi ro cao hơn. Do đó, nâng cao vấn đề nhận thức của nhà đầu tư là công việc cấp thiết.

"Xếp hạng tín nhiệm có thể ví như biển báo giao thông, nhà đầu tư như người tham gia giao thông, quá nhiều người tham gia sẽ xảy ra tình trạng tắc nghẽn hay có tai nạn. Khi có biển báo giao thông nhà đầu tư sẽ xem xét lại kênh đầu tư của mình. Tất nhiên mỗi người sẽ có khẩu vị rủi ro khác nhau, chúng tôi đưa ra xếp hạng để nhà đầu tư có thể tiệm cận rủi ro", ông Tùng Anh nói.

Cũng theo đại diện FiinGroup, sau khi ý kiến xếp hạng tín nhiệm được công bố, đơn vị xếp hạng tín nhiệm sẽ tiếp tục giám sát kết quả xếp hạng tín nhiệm trong suốt vòng đời của công cụ nợ được xếp hạng, thường là 1 đến 1,5 năm. Đơn vị xếp hạng cũng sẽ công bố, cập nhật các “cảnh báo xếp hạng” hoặc “thay đổi kết quả xếp hạng tín nhiệm” để thông báo cho thị trường về những diễn biến có thể ảnh hưởng điểm tín nhiệm của doanh nghiệp và công cụ nợ được xếp hạng. Sau khi xem xét đánh giá những yếu tố trên, kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ được cập nhật, sửa đổi hoặc xác nhận lại.

"Giống như đèn báo hiệu giao thông, không phải đóng biển báo rồi bỏ đó mà chúng tôi phải theo dõi luồng giao thông đó có an toàn không, thay đổi cảnh báo nhiều hơn cho triển vọng tốt hơn”, vị này nói.

Bình luận thêm về trách nhiệm của đơn vị xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cho rằng vai trò của đơn vị xếp hạng tín nhiệm khác công ty kiểm toán hay các công ty chứng khoán, vai trò trung gian của đơn vị xếp hạng rất lớn do công ty kiểm toán chỉ nhận tiền của doanh nghiệp còn FiinGroup nhận tiền của cả nhà phát hành, của cả nhà đầu tư nhưng trách nhiệm đối với nhà đầu tư thực chất lớn hơn.

"Thân chủ của chúng tôi là doanh nghiệp nhưng chúng tôi lại có trách nhiệm với nhà đầu tư hơn. Chính vì thế, rất nhiều doanh nghiệp khi nhận thấy không an toàn chúng tôi không xếp hạng, chứ không phải doanh nghiệp nào chúng tôi cũng thích xếp hạng bởi vì còn rủi ro, liệu rằng ý kiến của mình đưa ra có đủ tin cậy để phục vụ thân chủ nhà đầu tư hay không?

Chúng tôi cởi mở cho cơ quan quản lý hoặc các thành viên thị trường đánh giá năng lực của chúng tôi, đến thăm văn phòng chúng tôi xem mô hình thế nào, kết quả ra làm sao, những kết quả xếp hạng đã được thị trường sử dụng, cả chủ nợ, cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế để đánh giá lãi suất làm sao, chứ không chỉ những gì chúng tôi đã công bố. Quan điểm của chúng tôi vì lợi ích chung của thị trường, công bằng minh bạch, chứ không phải chỉ có lợi ích của đơn vị xếp hạng”, Chủ tịch FiinGroup khẳng định.