10:03 22/01/2021

Quất cảnh dáng lộc bình đã sẵn sàng để đón Tết

Phương Thảo

Ngoài những kiểu cây quất bonsai thường gặp, các nhà vườn cũng sáng tạo nhiều dáng cây độc đáo, lạ mắt để phục vụ nhu cầu của mọi người, trong đó phải kể đến quất lộc bình. Theo khảo sát của phóng viên, tại các vườn quất ở Văn Giang (Hưng Yên), hay Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội), các chủ vườn đã bán được khá nhiều cây cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Nhiều chủ vườn chỉ còn việc chăm sóc nốt những cây mà khách đã đặt mua nhưng đang chờ ngày chuyển về "nhà mới".
Trồng quất cảnh vốn là một nghề đặc thù, những người chăm sóc quất cảnh phải tỉ mỉ và dành nhiều thời gian, công sức mới tạo được cây quất có thế cầu kỳ. Để có một cây quất cảnh với dáng, thế cây đẹp, quả chín vàng phân bố đều trên tán cây cần cả một quá trình chăm sóc kỳ công của người thợ. Tạo thế quất đã khó, để "thiết kế" được cây quất khủng, có dáng lộc bình lại càng mất rất nhiều công sức.Ông Nguyễn Văn Linh, một chủ vườn tại Tứ Liên (Hà Nội) chia sẻ: "Vườn của gia đình tôi có khoảng 200 gốc quất, bưởi và phật thủ… Tuy nhiên, năm nay chúng tôi chỉ tạo được có 5 cặp quất lộc bình, bởi vì chăm sóc và tạo được 5 cặp quất lộc bình này đầu tư rất nhiều thời gian và công sức…"
Quất cảnh dáng lộc bình đã sẵn sàng để đón Tết - Ảnh 1.
Quất cảnh dáng lộc bình đã sẵn sàng để đón Tết - Ảnh 2.
Lục bình từ lâu đã được rất nhiều người dân Việt Nam lựa chọn không chỉ là vật bài trí nhà cửa mà còn là vật phong thủy cầu tài lộc. Những cây quất để tạo thành hình lục bình thường đã được trồng khoảng 3- 4 năm để đủ độ cứng cáp để uốn nắn và cắt tỉa. Khi cây quất đã được định hình, người tiêu dùng mua về có thể để bày thoải mái, nếu biết chăm sóc tốt có thể chơi cả năm.Mỗi cây thường có chiều cao khoảng 2 - 3 mét.
Quất cảnh dáng lộc bình đã sẵn sàng để đón Tết - Ảnh 3.
Quất cảnh dáng lộc bình đã sẵn sàng để đón Tết - Ảnh 4.
Tại Hưng Yên, có một số hộ trồng quất cảnh gò dáng lộc bình nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ông Nguyễn Trung Thành (Liên Nghĩa, Văn Giang). Quất lộc bình tại vườn nhà ông cao tới gần 3 m, đường kính hơn 1 m. Theo ông Thành, khâu "tạo dáng" cho lộc bình rất quan trọng. Người thợ phải uốn nắn cho dáng quất cân đối, khoe được hết quả cũng như đảm bảo cây không bị ảnh hưởng. Quá trình gò cây thường mất khoảng 5 ngày, việc gò cây phải tiến hành tỉ mỉ để nhìn từ phía ngoài không thấy các sợi dây thép.
Vườn nhà ông Nguyễn Trung Thành có hơn 200 cây quất, trong đó có 4 cặp lộc bình (8 cây) đều đã bán cho khách quen. "Giá thị trường có thể lên đến 50 triệu đồng, tuy nhiên, khi tôi đang gò đến cây thứ 2 tại vườn thì đã có người đến mua toàn bộ với giá khoảng 15 triệu đồng/cây", ông Thành cho biết.
Quất cảnh dáng lộc bình đã sẵn sàng để đón Tết - Ảnh 5.
Quất cảnh dáng lộc bình đã sẵn sàng để đón Tết - Ảnh 6.
Quất cảnh dáng lộc bình đã sẵn sàng để đón Tết - Ảnh 7.
Ông Thành "mách nước" cho người tiêu dùng, đối với những loại cây trồng trong chậu, vào mùa xuân độ ẩm rất cao, đặc biệt không nên tưới nhiều nước để tránh úng nước, thối rễ. Ngoài ra, để chọn một cây quất lục bình đẹp, thứ nhất về hình dáng phải tương đối cân đối và hài hòa; thứ hai, quả nhiều nhưng thưa, có đủ quả vàng quả xanh, lá lộc xanh mướt và đặc biệt là có thêm một chút nụ hoa trắng.