Tìm điểm cân bằng giữa quản lý và vận hành thị trường vàng
Trung tuần tháng 11/2024, ở một số phiên giao dịch, giá vàng “nổi loạn” với biên độ tăng, giảm lên tới gần 2 triệu đồng mỗi lượng. Thực tế này một lần nữa khẳng định tính biến động, rủi ro cao của thị trường vàng. Theo các chuyên gia, nếu không kiểm soát chặt chẽ thị trường này thì nền kinh tế sẽ trở thành “con tin” của vàng như đã từng xảy ra....
Từ 18 - 21/11/2024, nương theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng trên dưới 1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch 25/11/2024, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng nhẫn giảm giá theo giờ, khiến người mua không kịp trở tay. Có những phiên như 25 và 26/11/2024, giá vàng giảm tới 2 triệu đồng mỗi lượng, trong đó chiều mua giảm mạnh hơn chiều bán.
Trên thực tế, vàng không chỉ nóng ở những cửa hàng vàng và chuỗi kinh doanh của SJC ở Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh, mà còn gây sự chú ý đặc biệt ở kỳ họp Quốc hội lần này. Bởi vậy, ổn định thị trường vàng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm và dành rất nhiều câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ trực tiếp tại nghị trường đến gửi câu hỏi trả lời bằng văn bản.
Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định chỉ có thể giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, phòng tránh các hiện tượng nhập lậu vàng, còn biến động tăng giảm của giá vàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới và nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà điều hành.
“Giá vàng phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời trong phiên chất vấn vừa qua.
Cuối tháng 9/2024, giá vàng thế giới tăng mạnh, đạt mức 2.670 USD/ounce, tức cao gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023 và gấp nhiều lần mức giá trung bình năm 2019, năm trước đại dịch Covid-19.
BIẾN ĐỘNG NGOÀI DỰ ĐOÁN
Thị trường vàng toàn cầu trong quý 3/2024 đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự kết hợp của các yếu tố vĩ mô và địa chính trị. Chi phí cơ hội giảm, sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, các rủi ro địa chính trị đã củng cố vị thế của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Mức độ mở rộng của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục là một yếu tố quan trọng tác động đến giá vàng. Mặc dù kinh tế thế giới đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng ở nhiều khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trung Quốc, dù đã áp dụng các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ, nhưng tăng trưởng vẫn còn chậm và không đạt hiệu quả như mong đợi. Điều này làm dấy lên lo ngại về triển vọng suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Đó là lý do để nhu cầu vàng từ các Ngân hàng Trung ương như Trung Quốc, Ấn Độ và các quỹ ETF tiếp tục là động lực chính giúp duy trì đà tăng của giá vàng. Với các yếu tố kinh tế và chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, giá vàng được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao.
Theo giới phân tích, sau khi Fed đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9/2024, đưa lãi suất xuống mức 4,75 - 5%, cùng với đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ, khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng giảm đi đáng kể. Khi lãi suất giảm, vàng – vốn không tạo ra lợi tức cố định sẽ trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.
Gần đây, triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed trồi sụt do thị trường lo ngại những chính sách của tân Tổng thống Donald Trump có thể kích hoạt lạm phát trở lại; tuy nhiên, giới phân tích cho rằng xu hướng trung – dài hạn vẫn là cắt giảm lãi suất. Xu hướng này dẫn đến sự suy yếu của đồng USD, có thể khiến giá vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác. Yếu tố này kết hợp với nguyên nhân rủi ro địa chính trị khiến giá vàng tiếp tục biến động theo chiều hướng khó lường.
KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU CHỐNG VÀNG HOÁ
Ngược về quá khứ, có thể thấy bất cứ khi nào tình hình địa chính trị thế giới bất ổn, ở trong nước lạm phát cao,… thì “bão vàng” nổi lên. Giai đoạn 1986-2007, các quy định về thị trường vàng dần được nới lỏng sau khi thực hiện “Đổi mới” để phát triển nền kinh tế Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ năm 1986. Để thúc đẩy thị trường vàng năng động hơn và dễ tiếp cận hơn tại Việt Nam, một số quy định đã được ban hành từ năm 1986 đến năm 2007.
Những quy định này bao gồm: (1) hợp pháp hóa hoạt động mua bán vàng giữa các cá nhân và tổ chức, ban hành năm 1993; (2) cho phép nhập khẩu vàng, ban hành năm 2001; (3) cắt giảm thuế nhập khẩu đối với vàng miếng từ 1% xuống 0,5%, ban hành năm 2005; (4) cho phép giao dịch vàng trên tài khoản nước ngoài, ban hành năm 2006; (5) các tổ chức tín dụng được huy động và cho vay bằng vàng.
Giai đoạn 2000 – 2007, giá vàng trong nước tăng hơn 3 lần dẫn đến hàng loạt bất ổn kinh tế vĩ mô: thâm hụt thương mại, lạm phát cao, VND mất giá nghiêm trọng so với USD khiến tỷ giá leo thang không ngớt. Lịch sử gọi đây là giai đoạn vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế. Cả nền kinh tế trở thành “con tin” của vàng. Nhiều ngân hàng rơi vào trạng thái khủng hoảng thanh khoản vì huy động vàng của người dân ở giá thấp và đã chuyển thành tiền nhưng khi người dân tất toán thì giá vàng lại cao chót vót.
Tình thế trên khiến năm 2008, Nhà nước phải đình chỉ nhập khẩu vàng do thâm hụt thương mại liên tục ở mức cao, sau đó thuế nhập khẩu vàng miếng tăng từ 0,5% lên 1%. Các quy định khác bao gồm việc chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng và hoạt động huy động vốn và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng.
Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đây là quy định toàn diện nhất về hoạt động kinh doanh vàng. Các quy định chính của nghị định bao gồm: (1) Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng; (2) Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) độc quyền sản xuất vàng miếng SJC dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. SJC là công ty sản xuất và phân phối vàng trang sức lớn nhất Việt Nam lúc đó, Công ty trực thuộc Thành ủy TP.HCM và chiếm 90% thị phần vàng miếng trên thị trường trong nước trong giai đoạn 2007-2011.
Nghị định 24 đã giúp thị trường vàng trong nước ổn định trong khoảng 9 năm, từ 2013 – 2021, giai đoạn này, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ khoảng 5-7%/năm tùy thời điểm. Từ năm 2022, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng ra, tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ.
Bắt đầu từ ngày 3/6/2024, các ngân hàng thương mại Nhà nước trực tiếp bán vàng miếng mang thương hiệu Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC, nhà sản xuất và phân phối vàng và trang sức vàng thuộc sở hữu Nhà nước hàng đầu Việt Nam), gọi tắt là vàng miếng SJC, cho khách hàng cá nhân.
Kết quả sau gần nửa năm thực hiện cho thấy giải pháp này đã thành công trong việc giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế. Từ chỗ giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20-24% trong một thời gian dài từ nửa sau năm 2023 đến 31/5/2024, chênh lệch giá vàng đã giảm xuống chỉ còn 10% vào ngày 7/6/2024 (gần với mức trung bình 17 năm là 7%). Đến tháng 8/2024, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục co hẹp xuống còn 4-5% và duy trì ổn định cho đến thời điểm hiện nay (28/11/2024).
Về lâu dài, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp khiến vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ. “Để chống vàng hóa và đô la hóa thì các chính sách không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Nếu chuyển hóa sang VND sẽ có cơ hội đầu tư, kinh doanh; hoặc người dân gửi tiền vào ngân hàng để cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh”, bà Hồng nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn đang phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24; tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49-2024 phát hành ngày 02/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam