09:45 17/11/2022

Tín dụng bị siết, thanh khoản giảm nhưng giá nhà vẫn tăng mạnh, đặc biệt phân khúc cao cấp

Kiều Linh

Thời gian gần đây, có nhiều thông tin cho rằng giá nhà ở đã giảm mạnh do tín dụng bất động sản bị thắt chặt. Tuy nhiên, thống kê của Batdongsan.com lại cho thấy mặt bằng giá rao bán chung cư Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tốc độ tăng giá chung cư tại Hà Nội mạnh hơn khá nhiều so với TP.HCM.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo dữ liệu thống kê 10 tháng đầu năm của Batdongsan.com.vn, giá rao bán căn hộ tăng từ 3 - 17% tại Hà Nội và tăng từ 3 - 7% tại TP.HCM, tùy từng phân khúc.

Trong đó, căn hộ cao cấp dẫn đầu về tốc độ tăng giá ở cả Hà Nội và TP.HCM, lần lượt tăng 17% và 7% so với cùng kỳ năm 2021.

Lượt tìm mua và lượng tin đăng bán chung cư cao cấp ở TP.HCM cũng có mức tăng ấn tượng, lần lượt là 23% và 29%, cao hơn hẳn phân khúc trung cấp và bình dân. Dữ liệu này phần nào phản ánh phân khúc cao cấp đang áp đảo thị trường chung cư TP.HCM về mức độ tăng nhu cầu tìm kiếm, lượng tin đăng cũng như giá rao bán.

Trong khi đó, người mua chung cư tại Hà Nội vẫn săn đón các sản phẩm bình dân. Phân khúc này có tốc độ tăng giá thấp nhất trên thị trường chung cư Hà Nội (chỉ tăng 3%) nên cũng thu hút lượng quan tâm tăng cao nhất (20%). Còn mức độ quan tâm đến chung cư trung và cao cấp chỉ tăng 12%. Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ bình dân hạn chế nên người mua cũng không có nhiều lựa chọn. Lượng tin đăng chung cư bình dân chỉ tăng 6% trong 10 tháng qua so với cùng kỳ năm trước, hoàn toàn lép vế so với mức tăng từ 14 – 17% của phân khúc trung và cao cấp.

Tín dụng bị siết, thanh khoản giảm nhưng giá nhà vẫn tăng mạnh, đặc biệt phân khúc cao cấp - Ảnh 1

Cũng theo thống kê trên thị trường bất động sản nhà ở để bán, nhà mặt phố, biệt thự, chung cư là những loại hình ghi nhận nhu cầu tìm kiếm tăng mạnh nhất, lần lượt ở mức 21%, 13% và 11%. Mức độ quan tâm nhà riêng và đất nền bán gần như không có sự thay đổi nhưng lượng quan tâm đối với đất dự án đã giảm 13% trong 10 tháng qua so với cùng kỳ năm trước.

Đối với thị trường cho thuê, mức độ quan tâm tăng mạnh ở tất cả các loại hình bất động sản, đặc biệt là văn phòng cho thuê (tăng 181%) và nhà mặt phố cho thuê (tăng 127%). Tuy nhiên, lượng tin đăng (phần nào thể hiện nguồn cung) một số loại hình bất động sản cho thuê thiết yếu như chung cư, nhà
trọ, cửa hàng, lại giảm đáng kể, từ 14 đến 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường bất động sản TP.HCM có sự hồi phục mạnh mẽ hơn Hà Nội về nhu cầu tìm kiếm và lượng tin đăng. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, mức độ quan tâm đến bất động sản tại TP.HCM tăng 30% so với cùng kỳ 2021, trong khi Hà Nội chỉ tăng 11%. Lượng tin đăng bất động sản ở TP.HCM cũng tăng đến 45%, so với mức tăng 20% của Hà Nội.

Đây là điều dễ hiểu vì năm 2021, TP.HCM là một trong những tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, là đầu tàu kinh tế cả nước, TP.HCM đã có nhiều sự phục hồi và phát triển. GRDP 9 tháng đầu năm nay của TP.HCM tăng gần 10% so với cùng kỳ, tăng gần 8% so với năm 2019, theo Cục Thống kê TP.HCM.

Vì vậy, nhu cầu về bất động sản, nhất là những loại hình phục vụ mục đích kinh doanh, sản xuất và ở thực tăng cao. Tại TP.HCM, mức độ quan tâm tăng mạnh nhất là nhà mặt phố (tăng 47%), còn ở Hà Nội là căn hộ chung cư (tăng
13%).

Theo các chuyên gia của Batdongsan.com.vn, xu hướng tăng trưởng lượt quan tâm nhà đất trong 10 tháng đầu năm 2022 cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản sau giai đoạn chịu tác động tiêu cực từ Covid-19. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn nếu so sánh với cùng kỳ 2019.

Bên cạnh đó, dù nhu cầu mua bất động sản 10 tháng đầu năm tăng nhưng chủ yếu tăng ở giai đoạn nửa đầu năm khi xuất hiện một số đợt sốt đất cục bộ và đã có xu hướng giảm trong quý 3/2022.

Thanh khoản thị trường đang chịu ảnh hưởng từ chính sách kiểm soát tín dụng, thiếu hụt nguồn cung và biến động lãi suất. Tuy nhiên, sự sụt giảm nặng nề nhất chủ yếu rơi vào đất nền và căn hộ hạng sang. Một số loại hình bất động sản đáp ứng tiêu chí an toàn, phục vụ nhu cầu ở thực và khả năng khai thác giá trị thương mại vẫn nhận được sự quan tâm.