Tín dụng cho chứng khoán đang ở mức nào?
Tổng số cho vay margin tại các công ty chứng khoán hiện đang ở mức thấp, vào khoảng 22.000 tỷ đồng
Thị trường chứng khoán đã phản ứng thận trọng trong phiên ngày 23 và cả ngày 24/10 trước thông tin tín dụng dành cho các công ty chứng khoán nhằm mục đích cho vay margin sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong năm 2019. Trong khi đó, con số cho vay margin tại các công ty chứng khoán hiện đang ở mức thấp, vào khoảng 22.000 tỷ đồng.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu ngày 22/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó tăng trưởng tín dụng: dưới 17%, kiểm soát chặt tín dụng dành cho chứng khoán và bất động sản.
Trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng: thông điệp kiểm soát chặt mà Thủ tướng nêu ra không phải là siết tín dụng với hai lĩnh vực chứng khoán và bất động sản. Việc kiểm soát chặt ở đây nên hiểu là giám sát chặt chẽ các thủ tục cho vay trong hai lĩnh vực này để đạt mục tiêu đề ra, đảm bảo an toàn cho hệ thống. Bởi Chính phủ luôn xác định bất động sản và chứng khoán là hai lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Trên thực tế, tín dụng cho chứng khoán chủ yếu được thực hiện qua hai kênh: ngân hàng tài trợ cho công ty chứng khoán để cho vay margin; ngân hàng tài trợ trực tiếp cho nhà đầu tư.
Theo thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tín dụng dành cho chứng khoán qua đang ở cực kỳ thấp. Đối với kênh ngân hàng tài trợ cho công ty chứng khoán để cho vay margin, hiện vào khoảng 21.000 tỷ đồng - 22.000 tỷ đồng.
Đối với kênh ngân hàng tài trợ trực tiếp cho cá nhân để đầu tư chứng khoán, theo thống kê vào khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. "Cả hai con số này quá bé vì tổng tín dụng qua hai kênh chỉ vào khoảng 0,3% tổng dư nợ qua hệ thống ngân hàng thương mại", lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán bình luận.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, với diễn biến hiện nay khi cho vay tiêu dùng nở rộ thì sẽ rủi ro cho hệ thống. Bởi rất có khả năng tiền là đi vay để mua nhà, đất, nhưng trong thời gian chờ giải ngân sẽ "lướt sóng" trên thị trường chứng khoán. Điều này, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, rất có thể xảy ra nhưng không nhiều. Vấn đề là phải kiểm soát chặt chẽ thủ tục cho vay để tránh việc dùng tiền sai mục đích.
Liên quan đến chủ đề này, một lãnh đạo chuyên trách lĩnh vực này của Ngân hàng Nhà nước xác nhận với VnEconomy, đến thời điểm này, dư nợ tín dụng bất động sản và chứng khoán trong hệ thống vẫn chiếm tỷ trọng thấp, dưới 10% mỗi loại; riêng tín dụng bất động sản nếu "cộng cả" tín dụng tiêu dùng mua và sửa chữa nhà ở, cũng chỉ hơn 10%.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, theo số liệu cập nhật từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng giá trị vào ròng của nhà đầu tư nước ngoài tính đến 16/10 đạt 2,97 tỷ USD, đã vượt số vào ròng của cả năm 2017 (2,92 tỷ USD) và cũng tăng hơn so với con số 2,89 tỷ USD vừa cập nhật hôm 9/10.
Nếu so sánh với tình hình dòng vốn rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi thời gian gần đây thì con số 2,97 tỷ USD vào ròng thị trường Việt Nam trong 9 tháng rưỡi qua được đánh giá là khá tích cực.
Tính đến ngày 16/10/2018, giá trị danh mục đầu tư của nước ngoài đạt 35 tỷ USD, giảm 2,3 tỷ USD so với cuối tháng 9 mà nguyên nhân chủ yếu là do giảm giá mấy ngày gần đây. Nhưng nếu so với mức 32,8 tỷ USD của cuối năm 2017 thì giá trị danh mục của khối ngoại tại thời điểm hiện nay đang tăng.
Trong đó đáng chú ý, số dư tiền mặt trên tài khoản nhà nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở mức cao, đạt khoảng 1 tỷ USD (tương đương 23,6 nghìn tỷ VND), sẵn sàng chờ giải ngân.
Trước đó, số liệu cập nhật ngày 9/10 cho thấy, số dư tiền mặt trên tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài ở mức cao: 25,2 nghìn tỷ đồng và giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 36,3 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với mức 35,7 tỷ USD tại này 26/6, khi thị trường có những biến động mạnh.