15:32 16/06/2023

“Tin ra là xả”, chứng khoán đỏ sàn sau quyết định giảm lãi suất bất ngờ

Kim Phong

Giới đầu tư “sốt xình xịch” trong giờ nghỉ trưa hôm nay khi từ cuối phiên sáng đã lan truyền tin đồn sẽ giảm lãi suất. Quyết định chính thức được ban hành vào giờ nghỉ, thổi bùng lên một đợt tăng khá mạnh nửa đầu phiên chiều. Tuy nhiên từ sau 2h trở đi, thị trường chứng kiến một đợt xả khá lớn, kết hợp với các giao dịch tái cơ cấu khiến sức ép tăng vọt. VN-Index đóng cửa giảm 1,75 điểm, không mạnh, nhưng là bốc hơi gần 14 điểm so với đỉnh...

VN-Index lao dốc rất nhanh về cuối phiên, bất chấp tin hỗ trợ mạnh xuất hiện vào buổi trưa.
VN-Index lao dốc rất nhanh về cuối phiên, bất chấp tin hỗ trợ mạnh xuất hiện vào buổi trưa.

Giới đầu tư “sốt xình xịch” trong giờ nghỉ trưa hôm nay khi từ cuối phiên sáng đã lan truyền tin đồn sẽ giảm lãi suất. Quyết định chính thức được ban hành vào giờ nghỉ, thổi bùng lên một đợt tăng khá mạnh nửa đầu phiên chiều. Tuy nhiên từ sau 2h trở đi, thị trường chứng kiến một đợt xả khá lớn, kết hợp với các giao dịch tái cơ cấu khiến sức ép tăng vọt. VN-Index đóng cửa giảm 1,75 điểm, không mạnh, nhưng là bốc hơi gần 14 điểm so với đỉnh.

Chính sách tiền tệ nới lỏng cấp kỳ lẽ ra phải thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng mạnh, nhưng hôm nay là lần thứ 4 lãi suất điều hành và lần thứ 3 giảm trần lãi suất huy động và thị trường đều cho thấy phản ứng ngược.

Khoảng 10 phút đầu tiên của phiên chiều – thời điểm thị trường phản ánh ngay lập tức thông tin giảm lãi suất – VN-Index tăng đạt đỉnh 1.128,92 điểm, tăng trên tham chiếu 1,07%. Đó là phản ứng bình thường vì tâm lý rất tích cực trước thông tin hỗ trợ bất ngờ. Tuy nhiên hơn 20 phút kế tiếp, thị trường không tiến triển thêm được, cổ phiếu gặp phải lực bán cản mạnh. Nửa còn lại của phiên chiều, thị trường từ từ lao dốc rồi rơi gần như tự do. Kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index đã thủng tham chiếu 4,42 điểm. Đợt ATC, các quỹ ETF giao dịch mạnh, mua ròng nhiều trụ góp phần đỡ chỉ số, đóng cửa còn giảm 1,75 điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay giao dịch mạnh do cần tái cơ cấu danh mục, tuy vậy vị thế tổng thể là mua ròng. Cụ thể, phiên chiều khối này giải ngân 1.957,6 tỷ đồng và bán ra 1.792,8 tỷ đồng. Cả ngày khối này mua ròng 466 tỷ đồng.

Cho đến thời điểm cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục, khối ngoại vẫn đang mua ròng trên HoSE khoảng 552 tỷ đồng. Nói cách khác, dù có bán ra ở một số cổ phiếu nhưng áp lực từ khối ngoại không phải là nguyên nhân chính khiến thị trường đỏ lửa. Khối này chủ yếu giao dịch ở nhóm cổ phiếu blue-chips và độ rộng thể hiện sự tụt giá trên diện rộng. Cụ thể, lúc 1h15, VN-Index vẫn đang có 307 mã tăng/106 mã giảm. Đến 2h chiều, độ rộng còn 261 mã tăng/147 mã giảm. Đến cuối đợt khớp lệnh liên tục, chỉ còn 168 mã tăng/251 mã giảm. Kết phiên độ rộng không thay đổi nhiều, với 170 mã tăng/258 mã giảm.

Cổ phiếu chứng khoán là nhóm tăng giá khá nhất hôm nay.
Cổ phiếu chứng khoán là nhóm tăng giá khá nhất hôm nay.

Như vậy hiện tượng bán ra của nhà đầu tư trong nước mới là lý do khiến độ rộng co lại nhanh chóng như vậy. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài thường hẹp ở một nhóm cổ phiếu, nhất là hôm nay các ETF ngoại tái cơ cấu, danh mục cũng giới hạn. Hiện tượng giảm giá cả loạt, nhất là với nhiều mã vừa và nhỏ, cho thấy giao dịch của các nhà đầu tư trong nước là chính.

VN30-Index đóng cửa chỉ với 8 mã tăng/20 mã giảm, nhưng chỉ số vẫn tăng 0,49 điểm, dù cuối đợt liên tục giảm 2,61 điểm. STB được giật tăng 4,32% với giao dịch khoảng 2,3 triệu cổ đợt ATC. HPG bật tăng 1,3% với 2,71 triệu cổ. VCB từ đỏ 0,3% chuyển thành xanh 1,45% với 625.800 cổ khớp… Ngay cả VHM cũng được kéo lên bớt giảm, còn -0,88% dù ngay trước đó giảm 1,8%. VIC đang -1,5% quay về tham chiếu… Nhìn chung đây là hiệu ứng của các giao dịch lô lớn trong thời điểm tái cơ cấu danh mục ETF và cũng không có gì bất ngờ.

Tín hiệu quan trọng là diễn biến trượt giá mạnh trong đợt khớp lệnh liên tục, trước khi các lệnh lớn của ETF nhập cuộc. Giá cổ phiếu lao dốc trên diện rộng phản ánh một trạng thái chung là nhà đầu tư xả hàng khi có tin giảm lãi suất. Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra. Các lần giảm lãi suất trước đó cũng chỉ tạo hiệu ứng rất ngắn hạn, trước khi suy yếu.

Thanh khoản hôm nay tăng rất mạnh 63% so với hôm qua, đạt 22.546 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn nhờ các quỹ ETF tái cơ cấu. HoSE tăng 66%, đạt 20.355 tỷ đồng. Do có tín hiệu nhiễu từ giao dịch mang tính thời điểm nên chưa thể biết liệu dòng tiền vào thị trường có tăng mạnh thật sự hay không. Phải đợi đến tuần tới khi thị trường bình thường trở lại mới có thể biết được hiệu ứng của giao dịch này.