14:00 28/07/2025

Tỉnh táo trước “bẫy” quảng cáo bất động sản

Anh Khoa

Thị trường bất động sản sôi động kéo theo sự bùng nổ của các kênh quảng cáo, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một trong những hình thức phổ biến là quảng cáo tiện ích nhưng không có thực như hồ bơi, công viên, khu vui chơi… khiến người mua dễ bị hấp dẫn bởi thông tin sai lệch và chỉ nhận ra sự thật sau khi đã giao dịch...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương, cho biết thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh, trở thành một trong những lĩnh vực thu hút dòng vốn lớn. Song song với sự tăng trưởng này là sự bùng nổ của quảng cáo bất động sản trên mọi kênh: từ biển bảng, báo chí, truyền hình, đến mạng xã hội…

Tuy nhiên, cùng với sự nở rộ về số lượng, chất lượng nội dung quảng cáo bất động sản cũng đặt ra nhiều lo ngại. Các chuyên gia đánh giá một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng dễ bị cuốn vào “ma trận” quảng cáo là cách thức tiếp cận ngày càng phong phú và lắt léo. Những câu giới thiệu dự án thường nhấn mạnh vào yếu tố cảm xúc, đánh vào tâm lý “sở hữu ngay - hưởng thụ liền”, hoặc “đầu tư sinh lời siêu tốc”.  

Đơn cử như: “Sống chuẩn resort ngay giữa lòng thành phố - chỉ từ 999 triệu đồng, thanh toán linh hoạt!”; “Đặt cọc hôm nay, nhận ngay suất lợi nhuận 20% sau 6 tháng!”; “Đầu tư ngay, chỉ cần 0 đồng vốn tự có - ngân hàng hỗ trợ vay đến 90% giá trị căn hộ!”; “Chỉ 50 triệu giữ chỗ, cơ hội vàng sở hữu căn hộ trung tâm - số lượng có hạn!”…

NHIỀU QUẢNG CÁO CHỨA THÔNG TIN PHÓNG ĐẠI

Dù vậy, “điều đáng lo ngại là nhiều quảng cáo chứa thông tin sai lệch, phóng đại tiện ích, cam kết lợi nhuận phi thực tế, khiến người tiêu dùng dễ rơi vào “bẫy” kỳ vọng”, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh.

Một trong những hình thức quảng cáo sai lệch phổ biến hiện nay là đưa ra thông tin về các tiện ích không có thực trong dự án. Một số hạng mục gồm hồ bơi, khu vui chơi trẻ em, khu thể thao, hoặc công viên… thường xuyên được quảng cáo với hình ảnh, thông tin hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Song khi người tiêu dùng mua, họ mới phát hiện ra rằng tiện ích này không có, hoặc không được xây dựng như quảng cáo.

Thực tế cho thấy nhiều dự án đã quảng bá tiện ích rất chi tiết trên kênh video giới thiệu, mạng xã hội (YouTube, TikTok...), kèm lời hứa “12 hồ bơi”, “resort 5 sao”, “khu vui chơi trẻ em”, “công viên xanh”… nhưng lại không thể hiện đầy đủ trên hợp đồng mua bán. Điều này dẫn đến sự khác biệt giữa thông tin quảng cáo và nội dung hợp đồng, khiến người tiêu dùng cảm thấy bị lừa dối. Ngoài ra, ở một số trường hợp khác, thông tin quảng cáo được ghi chú mập mờ là “mang tính minh họa”, “có thể thay đổi” hoặc “dự kiến có”, mà không giải thích rõ ràng về việc những tiện ích này có thể bị loại bỏ, hoặc thay đổi khi dự án thực hiện, nên khách hàng bị hiểu lầm.

Các hành vi quảng cáo sai lệch, thiếu minh bạch có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau trong quá trình giới thiệu và phân phối sản phẩm. Với cùng một dự án, người tiêu dùng đôi khi phải đối mặt với hàng loạt thông tin không đồng nhất, khiến họ khó xác định đâu là nguồn thông tin đáng tin cậy. Trong nhiều trường hợp, việc cung cấp thông tin chưa chính xác nhằm mục đích thu hút sự chú ý, hoặc thúc đẩy quyết định mua nhanh chóng. Những hình thức này thường chưa được kiểm soát hiệu quả, làm gia tăng nguy cơ nhầm lẫn và gây thiệt hại cho người mua.

"Theo đó, có thể dẫn đến hậu quả pháp lý không nhỏ cho chủ đầu tư. Các khiếu nại từ người tiêu dùng khi không nhận được những tiện ích đã được quảng cáo sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, làm giảm khả năng bán hàng trong tương lai và thậm chí dẫn đến việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng có thể gặp phải những khó khăn trong việc yêu cầu giải quyết tranh chấp, nếu không có sự minh bạch và rõ ràng trong các điều khoản hợp đồng. Việc thiếu thông tin chính xác khiến người tiêu dùng không thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết đã đưa ra trong các chiến dịch quảng cáo", Ủy ban Cạnh tranh quốc gia nhận định.

 KHÔNG TIN TUYỆT ĐỐI VÀO LỜI HỨA MIỆNG

Vì vậy, đơn vị này khuyến cáo người tiêu dùng không tin tuyệt đối vào hình ảnh phối cảnh hoặc lời hứa miệng. Hình ảnh 3D, phối cảnh dự án và video quảng cáo chỉ có tính chất minh họa, không phải căn cứ pháp lý. Người mua không nên đặt cọc chỉ vì bị thuyết phục bởi hình ảnh, hoặc lời giới thiệu miệng. Cần hiểu rằng quyền lợi thực tế của người tiêu dùng chỉ được đảm bảo bằng hợp đồng hợp pháp, và hồ sơ pháp lý được cơ quan nhà nước phê duyệt.

Người dân nên giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư, hoặc các đại lý được ủy quyền chính thức, có hợp đồng phân phối rõ ràng và đầy đủ thông tin pháp lý. Hạn chế tối đa giao dịch thông qua cá nhân môi giới không có giấy ủy quyền hợp pháp, nhằm tránh rủi ro trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Khi nghi ngờ về tính xác thực của đơn vị phân phối, người tiêu dùng nên kiểm tra danh sách đại lý chính thức trên website của chủ đầu tư hoặc liên hệ trực tiếp qua số điện thoại hỗ trợ của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc lựa chọn kênh giao dịch uy tín, người tiêu dùng nên đề nghị cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng về những tiện ích, dịch vụ của dự án, đồng thời đảm bảo thông tin này được ghi đầy đủ trong hợp đồng mua bán. Các cam kết về tiện ích cần phải được xác nhận trong hợp đồng để tránh trường hợp thông tin quảng cáo không khớp với thực tế. Nếu người tiêu dùng phát hiện có các nội dung không khớp giữa thông tin quảng cáo và các điều khoản trong hợp đồng, người tiêu dùng nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin minh bạch và giải thích về các điểm không được phản ánh đầy đủ trong hợp đồng để đánh giá thêm về mức độ tin cậy của chủ đầu tư và dự án trước khi tiến hành ký kết hợp đồng.

Đặc biệt, trước khi đặt cọc, ký kết hợp đồng, người tiêu dùng cần yêu cầu cung cấp dự thảo hợp đồng mua bán nhằm xem xét kỹ lưỡng từng điều khoản, nhất là điều khoản về tiện ích, dịch vụ, và cam kết của chủ đầu tư. Nếu có bất kỳ điều khoản nào không rõ ràng hoặc mơ hồ, người tiêu dùng nên yêu cầu chủ đầu tư giải thích và làm rõ.