08:00 03/12/2024

Tốc độ tăng trưởng trung bình ngành kinh tế số cao gấp 3 lần tốc độ phát triển GDP quốc gia 

Hạ Chi

Để tăng cường năng lực cạnh tranh ngành kinh tế số ICT của Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đặc biệt tập trung phát triển hạ tầng số phổ cập và nâng cao chất lượng kết nối, hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ và các khu công nghệ thông tin tập trung...

Dự kiến kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 18,3% vào GDP quốc gia trong năm nay, và chiếm 20% tỷ trọng GDP đến năm 2030 - Ảnh minh hoạ.
Dự kiến kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 18,3% vào GDP quốc gia trong năm nay, và chiếm 20% tỷ trọng GDP đến năm 2030 - Ảnh minh hoạ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành công nghiệp ICT hàng năm đạt 150 tỷ USD, chiếm 55% tổng giá trị nền kinh tế số. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực lắp ráp điện tử, công nghệ điện tử. Bên cạnh đó, ghi nhận số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ thanh toán số của Việt Nam hiện đạt khoảng 87%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra đạt tỷ lệ thanh toán trực tuyến 80% trong năm 2025. 

Phát biểu tại hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024, ông Trần Minh Tuấn cho biết: “Ngành kinh tế số của Việt Nam nhìn chung phát triển khá đồng đều, tuy nhiên còn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số lõi, trong khi đó, kinh tế số các ngành lĩnh vực là không gian phát triển cực kỳ tiềm năng. Vì dự báo đến năm 2030, 80% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam phụ thuộc vào sự đóng góp của các ngành, lĩnh vực”.  Nền kinh tế số Việt Nam thời gian qua đã phát triển nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ phát triển GDP quốc gia. Dự kiến, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 18,3% vào GDP quốc gia trong năm nay, và chiếm 20% tỷ trọng GDP đến năm 2030

Trong đó, ba nhóm ngành được dự đoán ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của nền kinh tế số là thương mại điện tử, nội dung số và tài chính, ngân hàng. Trong đó, lĩnh vực thương mại điện tử được dự đoán sẽ đóng góp nhiều nhất với 30% tỷ trọng kinh tế số ngành, lĩnh vực. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 – 2030, đồng thời phát triển các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và hệ thống logistics tạo điều kiện hàng hóa, nông sản Việt xuất khẩu.

Lĩnh vực logistics mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, được xếp hạng 10/50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, song thực tế chi phí logistics Việt Nam hiện cao hơn so với mức bình quân chung của thế giới là 10,6%. Nếu không thúc đẩy logistics phát triển, hàng hoá Việt Nam sẽ không có khả năng cạnh tranh với hàng hoá trên thế giới. Do đó, Chính phủ sẽ tăng cường kết nối, trao đổi, mở dữ liệu về logistics và chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy sử dụng nền tảng cảng biển số, nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải.

Trong khi đó, nhìn nhận từ thực tế toàn ngành kinh tế số Việt Nam, ông Phạm Minh Hoàn, Phó trưởng Bộ môn Công nghệ thông tin, Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số (Đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng hạ tầng số Việt Nam hiện chưa phát triển đồng bộ. Khung pháp lý chưa bắt kịp với tốc độ phát triển công nghệ, hạ tầng kỹ thuật số chưa đồng đều giữa các địa phương, chưa kể nguồn nhân lực có kỹ năng số còn hạn chế và chi phí đầu tư, vận hành và bảo trì hạ tầng số còn là thách thức. 

Để tăng cường năng lực cạnh tranh ngành kinh tế số ICT của Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đặc biệt tập trung phát triển hạ tầng số phổ cập và nâng cao chất lượng kết nối, hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ và các khu công nghệ thông tin tập trung.

Trong đó, ông Trần Minh Tuấn nhấn mạnh Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng cần cung cấp băng rộng di động tối thiểu 40Mbps, và cố định 100 Mbps: “Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai đồng bộ các biện pháp đo lường mạng lưới, nếu doanh nghiệp nào không đảm bảo yêu cầu sẽ chịu mức phạt theo quy định vì chất lượng mạng lưới sẽ quyết định sự phát triển của kinh tế số". 

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1437/QĐ-TTg, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025, nhấn mạnh một số mục tiêu quan trọng: 

Thứ nhất, xác định chuyển đổi số là quá trình thay đổi của cả một tổ chức, thế nên người đứng đầu các cấp phải có kiến thức sâu rộng về chuyển đổi số, phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm, thành thạo sử dụng để dẫn dắt chuyển đổi số. Lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số làm cơ sở đánh giá cán bộ, người đứng đầu.

Thứ hai, phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là kinh tế số ICT; kinh tế số ngành, lĩnh vực; quản trị số và dữ liệu số là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, xanh và bền vững.

Thứ ba, kinh tế số ICT là động lực quan trọng và được tích hợp sâu rộng, làm thay đổi toàn diện mọi hoạt động trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thực.

Thứ tư, xác định không gian mới phát triển kinh tế số là kinh tế số ngành, lĩnh vực, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển.

Thứ năm, xây dựng và triển khai đồng bộ các nền tảng số trở thành không gian mới cho các hoạt động kinh tế. Phát triển dữ liệu số trở thành yếu tố sản xuất đầu vào mới, quan trọng.

Thứ sáu, phát triển kinh tế số gắn liền với bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền số quốc gia; Việt Nam làm chủ các nền tảng số, dữ liệu số nhằm tự chủ, tự cường trên không gian mạng.