13:32 12/06/2018

Tôm khô Cà Mau: Mang hương thơm của ánh nắng miền Tây…

Băng Hảo

Mặc dù tôm khô là món ăn phổ biến trong nhiều bữa ăn Việt, nhưng với cách chế biến độc đáo từ nguồn nguyên liệu tươi sống trên những cánh đồng ngập mặn, tôm khô Cà Mau lại mang một hương vị khác lạ. Vị ngọt của đất, vị mặn của biển, uốn cong mình dưới ánh mặt trời tự nhiên hào sảng, tạo nên món đặc sản nổi tiếng của vùng đất mũi.

Tháng 6/2017, tôm khô Cà Mau được Kênh giới thiệu ẩm thực, đặc sản Việt Nam và thế giới của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings, bình chọn là một trong top 10 đặc sản quà tặng của Việt Nam- bên cạnh các đặc sản như Trà Shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái), Bánh đậu xanh (Hải Dương), Mè xửng (Thừa Thiên Huế), Tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), Rượu Bàu Đá (Bình Định), Yến sào (Khánh Hòa), Cà phê Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Sâm Ngọc Linh (Kon Tum) và Mật ong (Gia Lai).
Tôm khô Cà Mau: Mang hương thơm của ánh nắng miền Tây… - Ảnh 1.
Chính sự kết hợp hài hòa giữa rừng và biển, sự đan xen giữa hệ sinh thái mặn, ngọt và lợ, tạo cho vùng bán đảo Cà Mau một hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nơi được xem là xứ sở của nhiều đặc sản đặc trưng nổi tiếng: Mật Ong U Minh, khô bổi U Minh, Ba Khía Rạch Gốc,… Trong đó, rất thích hợp để làm quà tặng cho người thân sau mỗi chuyến hành trình có một thứ mà du khách không thể bỏ qua đó là tôm khô. Mang mùi thơm của nắng miền Tây, chút vị ngọt đậm đà nơi đầu lưỡi, màu đỏ cam tự nhiên hấp dẫn khiến ai ai cũng phải xuýt xoa.
Tôm khô Cà Mau: Mang hương thơm của ánh nắng miền Tây… - Ảnh 2.
Nguyên liệu để làm tôm khô cũng khá đa dạng như tôm sắt, tôm chì, tôm bạc, tôm đất, tôm giang… Tùy theo loại và cỡ tôm lớn nhỏ mà có giá bán khác nhau. Nghề làm tôm khô tưởng chừng không quá khó khăn này lại không hề đơn giản. Phải thức khuya dậy sớm theo con nước và không thể chủ động về số lượng tôm nguyên liệu. Để tạo nên con tôm khô thường phải trải qua 4 giai đoạn chính là: luộc, phơi, đập và tách vỏ. Khâu luộc là quan trọng nhất, quyết định chất lượng con tôm, nếu lạt, khó bảo quản lâu, còn mặn quá sẽ làm mất hương vị đặc trưng của tôm. Con tôm sau khi bắt lên, rửa sạch tôm cho vào chảo luộc có pha chút muối. Lửa bếp phải thật lớn ngọn, phải đảo đều cho tôm khoảng 5 phút để con tôm vừa chín thì vớt ra ngay. Nếu để lâu, thịt tôm sẽ mất độ dai và dính sát vào vỏ. Thường người ta luộc tôm vào buổi hừng sáng để con tôm có rộng thời gian phơi cho được nắng. Con tôm phơi được nắng là chỉ phơi trong hai ngày, nếu kéo dài hơn, tôm khô sẽ có mùi tanh và bị mất màu.
Tôm khô Cà Mau: Mang hương thơm của ánh nắng miền Tây… - Ảnh 3.
Đến giai đoạn cuối, thông thường bà con sẽ lựa riêng một phần tôm để đập và tách vỏ, còn lại một phần để khô nguyên vỏ. Tôm khô nguyên vỏ được làm từ loại tôm đất sông tại vùng Năm Căn. Những con tôm tươi ngon được phơi khô nguyên vỏ có màu vàng suộm hấp dẫn, phần thịt dày dặn, săn chắc rất thích hợp để dữ trữ dùng dần, rất tiện lợi mà lại còn bổ dưỡng. Ưu điểm của loại tôm khô nguyên vỏ so với loại tôm đã bóc vỏ là phần thịt bên trong không quá khô, cứng mà giữ được vị ngọt tự nhiên của nó. Tuy nhiên bạn sẽ phải bóc lớp vỏ này khi nấu hoặc khi ăn. Tôm khô nguyên vỏ Cà Mau sau khi phơi hoặc sấy khô có màu vàng cam nhạt chứ không đậm như loại đã lột vỏ, vì nó không hề được tẩm ướp thêm phụ gia hoặc phẩm màu nên màu sắc rất tự nhiên. Mùi vị của tôm khô nguyên vỏ rất thơm, chỉ cần mở bao bì ra là có thể thấy mùi tôm khô lan tỏa hấp dẫn.
Tôm khô Cà Mau: Mang hương thơm của ánh nắng miền Tây… - Ảnh 4.
Có nhiều cách để thưởng thức tôm khô mà trong đó cách "bóc bỏ miệng" là ngon nhất! Cái độ dai dai của con tôm hòa trong cái mằn mặn của muối biển chưa kịp tan ra thì cái vị ngọt tự nhiên của con tôm đã thấm vào đầu lưỡi lan xuống vòm họng, để rồi khi nhai hết con tôm, cái vị ngòn ngọt ấy vẫn còn vương vấn cổ họng, khiến người ta muốn bóc thêm con nữa ăn ngay. Ngoài ra, những món ngon được làm từ tôm khô thì nhiều lắm, có thể kể một vài món phổ biến như: tôm khô củ kiệu, gỏi xoài tôm khô, bắp xào tôm khô, tôm khô kho quẹt,…