07:10 16/01/2024

Tồn ngân quỹ nhà nước cao, Kho bạc Nhà nước thu thêm gần 7.000 tỷ đồng gấp 6 lần cùng kỳ

Ánh Tuyết

Tính đến cuối năm 2023, tồn ngân quỹ nhà nước đạt trên 800.000 tỷ đồng. Thông qua các nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước sử dụng hiệu quả nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi và tạm nộp vào ngân sách trung ương 6.815 tỷ đồng, cao gấp gần 6 lần cùng kỳ...

Vào cuối ngày, tiền gửi Kho bạc phải tập trung về Ngân hàng Nhà nước.
Vào cuối ngày, tiền gửi Kho bạc phải tập trung về Ngân hàng Nhà nước.

Chia sẻ gần đây, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước), cho biết tính đến cuối năm 2023, số tồn ngân quỹ nhà nước đạt trên 800.000 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là tồn quỹ của ngân sách địa phương, còn tồn quỹ ngân sách trung ương cũng như tiền gửi các quỹ rất thấp.

BỐN NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC ĐƯỢC "CHỌN MẶT GỬI TIỀN"

Theo lãnh đạo Cục Quản lý ngân quỹ, Luật Ngân sách nhà nước nêu rõ ngân quỹ nhà nước hình thành từ tồn quỹ ngân sách các cấp (gồm tồn quỹ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và tiền gửi của các quỹ tài chính nhà nước, các đơn vị, tổ chức kinh tế mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước như: quỹ dự trữ tài chính, quỹ vaccine Covid-19, tiền của các đơn vị, tổ chức kinh tế gửi tại Kho bạc Nhà nước theo quy định như tiền thu phí, viện phí các bệnh viện...

Nôm na, tiền của ai thì đối tượng đó dùng trong phạm vi tồn quỹ. Quản lý ngân quỹ nhà nước chặt chẽ, an toàn, minh bạch và hiệu quả. Quản lý ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất, gắn kết giữa quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ; nâng cao chất lượng dự báo dòng tiền và sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.

 

"Nguồn thu bao gồm từ hoạt động gửi tiền không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước, gửi ngân hàng thương mại, thu lãi cho vay với ngân sách nhà nước. Sau khi trừ phần chi cho hoạt động nghiệp vụ và trả lãi cho các đơn vị, tổ chức kinh tế, các quỹ tài chính, trả phí thanh toán cho ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đã nộp vào ngân sách trung ương 6.815 tỷ đồng năm 2023".

Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước)

Theo đó, Kho bạc Nhà nước chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất, chặt chẽ trong toàn hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước và các đơn vị có giao dịch với Kho bạc Nhà nước.

Đồng thời, cuối ngày làm việc, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước từ các địa phương được tập trung về trung ương và gửi toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (không còn số dư tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại vào cuối ngày làm việc).

Nhờ đó, tạo thuận lợi cho việc quản lý, đảm bảo thanh khoản của ngân quỹ nhà nước và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành cung tiền trên thị trường tiền tệ.

"Việc gửi ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi ở ngân hàng thương mại đảm bảo theo đúng tiêu chí. Hiện Kho bạc Nhà nước gửi tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước để đảm bảo an toàn. Phương thức thực hiện là đấu thầu cạnh tranh lãi suất, mức gửi phụ thuộc vào nhu cầu cũng như tình hình thị trường", ông Hoàng nói và cho biết thêm toàn bộ quy trình thực hiện theo quy trình điện tử, từ chào thầu đến ký hợp đồng trên hệ thống, không giao dịch trực tiếp. 

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục tổ chức triển khai các nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo quy định; tăng cường gắn kết giữa quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nợ công, tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước.

BA ƯU TIÊN TRONG SỬ DỤNG NGÂN QUỸ NHÀN RỖI

Theo Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ, theo thông lệ chung về quản lý ngân quỹ trên thế giới, bắt đầu từ năm 2017, Kho bạc Nhà nước đã trình Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền để nâng cao hiệu quả của dòng tiền Kho bạc đang quản lý.

"Trước đây ngân quỹ nhà nước gửi hoàn toàn không kỳ hạn tại ngân hàng thương mại để phục vụ nhu cầu thanh toán. Thế nhưng, số dư tương đối ổn định qua các năm, nếu không sử dụng rất lãng phí. Do đó, Bộ Tài chính trình để Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 quy định chế độ ngân quỹ nhà nước để được sử dụng dòng tiền trong thời gian tạm thời nhàn rỗi", bà Huệ nêu rõ. 

Kho bạc Nhà nước thực hiện theo quy định việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo thứ tự ưu tiên.

Một, tạm ứng, cho vay ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh hoặc khi nguồn thu chưa kịp tập trung, hay khi có bội chi. Đây là ưu tiên số một.

Trong các năm qua, về tổng thể, ngân sách nhà nước luôn có thặng dư song chủ yếu là do cân đối ngân sách địa phương thặng dư lớn trong khi cân đối ngân sách trung ương vẫn còn bội chi do phải bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương. Bên cạnh đó, yêu cầu trả nợ gốc đến hạn hàng năm cũng rất lớn, do đó, cần tập trung vào nhiệm vụ của ngân sách trung ương.

Hai, khi ngân sách trung ương ngân sách địa phương đáp ứng được nhu cầu, Kho bạc Nhà nước được sử dụng để gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước.

Ba, mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ đang lưu hành trên thị trường trong thời gian rất ngắn, theo quy định chỉ được phép đa 3 tháng. Khi các chủ sở hữu trái phiếu đang thiếu tiền, có thể dùng trái phiếu đó mang đến Kho bạc Nhà nước, hiểu đơn giản như cầm cố và Kho bạc cho vay trong thời gian ngắn.

Về công cụ để xử lý ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt, Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành tín phiếu kho bạc và thu hồi trước hạn các khoản đang gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại.

Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ nhấn mạnh thêm trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước là quản lý các dòng tiền này và thực hiện thanh toán khi có lệnh của chủ thể, của các quỹ và phải đảm bảo mọi nhu cầu thanh toán của các chủ thể tại mọi thời điểm.

Theo đánh giá từ Kho bạc Nhà nước, việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách trung ương tạm ứng/vay trong thời gian vừa qua đã đáp ứng được nhu cầu cân đối của ngân sách trung ương theo chủ trương giảm nợ vay nước ngoài, tăng huy động từ nguồn vay trong nước.

Trong bối cảnh phát hành trái phiếu chính gặp nhiều khó khăn, Bộ Tài chính huy động tối đa các nguồn vốn tài chính nhàn rỗi khác, trong đó có nguồn ngân quỹ nhà nước.

Qua đó, vừa đảm bảo mục tiêu đáp ứng cân đôi ngân sách, vừa ổn định mặt hàng lãi suất chung, giúp giảm áp lực phát hành trái phiếu chính trên thị trường, tiết kiệm chi phí vay nợ cho ngân sách nhà nước, gắn kết chặt chẽ giữa quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nợ.

Ngoài ra, việc tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh giúp các địa phương có thêm một kênh huy động vốn ngắn hạn với nhiều lợi ích quan trọng như: đảm bảo khả năng thanh khoản cho ngân sách địa phương khi nguồn thu chưa tập trung kịp thời; giảm chi phí vay cho ngân sách địa phương so với việc huy động từ các nguồn lực khác…

 

Kho bạc Nhà nước quản lý ngân quỹ theo phương thức nêu trên tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP từ năm 2017 đến nay và bắt đầu nộp ngân sách từ năm 2019. Nhờ triển khai hiệu quả các nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi, đến nay, Kho bạc Nhà nước đóng góp vào ngân sách trung ương khoảng 23.000 tỷ đồng.