Tổng kiểm soát xe kinh doanh vận tải toàn quốc, mạnh tay truy quét vi phạm
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị ngành giao thông vận tải tăng cường phối hợp với lực lượng công an trong đợt tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng container diễn ra từ tháng 8/2023...
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Thanh tra Bộ; các Vụ thuộc Bộ; các Cục: Đường bộ Việt Nam, Đường cao tốc Việt Nam, Quản lý đầu tư xây dựng, Đăng kiểm Việt Nam; Trung tâm công nghệ thông tin; sở giao thông vận tải, giao thông vận tải - xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về việc tăng cường phối hợp trong công tác tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng container.
XỬ LÝ "XE DÙ, BẾN CÓC"
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được văn bản của Bộ Công an về việc phối hợp trong công tác tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng container.
Để thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg, đồng thời tăng cường phối hợp trong công tác tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng container theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành, các sở giao thông vận tải và cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chỉ thị số 10/CT-TTg, Kế hoạch số 4485/KH-BGTVT.
Đồng thời, các đơn vị cần lồng ghép, bổ sung thêm nội dung để tăng cường phối hợp trong công tác tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng container theo đề nghị của Bộ Công an.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Thanh tra Bộ chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thanh tra Bộ, sở giao thông vận tải địa phương chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng công an tổ chức rà soát, kiểm tra về hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, việc quản lý lái xe, điều kiện của người điều khiển phương tiện của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container trên địa bàn tỉnh.
"Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động vận tải hành khách tại các địa điểm có hiện tượng “xe dù, bến cóc”, Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
"Kiểm tra tại các điểm xuất phát, kiên quyết không cho xuất bến đối với các xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái xe không bảo đảm điều kiện sức khỏe", Bộ Giao thông vận tải lưu ý.
Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ chủ động phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tập trung tuyên truyền các quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Cùng với đó, tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn của các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, hộ lan, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang, gờ giảm tốc tại các nút giao thông, đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế, những vị trí mở đường dân sinh...
Bên cạnh đó, đánh giá, khảo sát xác định các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông, những vị trí, khu vực thường họp chợ, nơi có trường học, tập trung đông người dọc các tuyến giao thông chính, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để có giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
KHÔNG ĐƯA PHƯƠNG TIỆN HẾT HẠN VÀO VẬN TẢI
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị các sở giao thông vận tải yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải ký cam kết thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn giao thông, không giao phương tiện cho người không đủ điều kiện, khả năng điều khiển, người đã sử dụng rượu, bia, có biểu hiện sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác.
"Đề cao trách nhiệm, không vì lợi ích kinh doanh nhất thời mà gây hậu quả xấu cho xã hội; không đưa phương tiện chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật, hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng vào hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa...", Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Các đơn vị cũng cần tổ chức cho lái xe ký cam kết tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không sử dụng ma túy, nồng độ cồn, chở quá số người quy định.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho các hội viên thuộc tổ chức của mình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa.
Kế hoạch tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách và ô tô vận tải hàng hóa bằng container được triển khai từ ngày 1/8 đến ngày 15/10 và chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ ngày 1/8 đến 14/8, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tuyên truyền vận động chủ xe, chủ doanh nghiệp và lái xe chấp hành pháp luật, ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Giai đoạn 2 từ ngày 15/8 đến 15/10, công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát và tiến hành xử lý các vi phạm: nồng độ cồn, ma tuý; quá tốc độ, quá khổ, quá tải, chở quá số người quy định; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; phần đường, làn đường; dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số người quy định; lắp camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải; phù hiệu, thời gian điều khiển phương tiện…