10:00 26/01/2022

TP. HCM cần hàng chục nghìn lao động sau Tết

Phúc Minh

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, TP.HCM vẫn là địa phương thu hút nguồn nhân lực dồi dào, nhất là lao động trẻ. Dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên Đán, thành phố cần khoảng 44.800 - 55.600 chỗ làm việc…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM ngày 25/1 thông tin về kết quả khảo sát thị trường lao động trước và sau Tết Nguyên Đán năm 2022 tại TP. HCM.

TRƯỚC TẾT, TĂNG TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG THỜI VỤ

Kết quả khảo sát cho thấy, theo ngành kinh tế, nhu cầu nhân lực trước Tết Nguyên đán tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm 72,82% tổng nhu cầu nhân lực; công nghiệp - xây dựng chiếm 27,14% và nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,04%.

Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở một số ngành, lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; kinh doanh bất động sản; hoạt động tài chính ngân hàng; thông tin và truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Các ngành, lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao trước Tết. Nguồn - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM. 
Các ngành, lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao trước Tết. Nguồn - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM. 

Kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo cần 16.367 chỗ làm việc, chiếm 85,81%, trong đó đại học trở lên cần 3.687 chỗ làm việc, chiếm 19,33%; cao đẳng cần 3.937 chỗ làm việc; trung cấp cần 5.022 chỗ làm việc; sơ cấp cần 3.721 và chưa qua đào tạo cần 2.706.

Theo mức lương, nhu cầu nhân lực tập trung ở mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng chiếm 43,92%; mức lương trên 10 - 15 triệu đồng chiếm 26,98%; trên 15 - 20 triệu đồng chiếm 19,94%.

Đối với mức lương trên 20 triệu đồng chiếm 8,91%, tập trung chủ yếu ở các vị trí việc làm có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm như: Trưởng bộ phận thương mại điện tử; trưởng phòng kinh doanh; phó phòng pháp chế; quản lý chất lượng ngành thực phẩm; quản lý phát triển mẫu mã sản phẩm; trợ lý tổng giám đốc; chuyên viên quản trị hệ thống; trưởng nhóm mua hàng và kiểm soát chi phí...

Nhu cầu nhân lực ở mức lương dưới 5 triệu đồng chiếm tỷ lệ khá thấp với 0,25%, tập trung ở các vị trí việc làm thời vụ, bán thời gian như: Nhân viên bán hàng; nhân viên pha chế; nhân viên phục vụ quán ăn; nhân viên giao hàng; nhân viên giữ xe; nhân viên tạp vụ; phụ bếp…

Theo kinh nghiệm làm việc, nhu cầu nhân lực tập trung ở lao động có kinh nghiệm chiếm 58,09%. Trong đó, có 1 năm kinh nghiệm chiếm 36,93%; từ 2 đến 5 năm chiếm 15,62% và trên 5 năm chiếm 5,54%.

Nhu cầu nhân lực theo kinh nghiệm. Nguồn - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM. 
Nhu cầu nhân lực theo kinh nghiệm. Nguồn - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM. 

Thời điểm cận Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiêu dùng của xã hội tăng cao, nhu cầu nhân lực trong sản xuất và kinh doanh cũng có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phần lớn lao động phổ thông trở về quê vẫn chưa quay lại thành phố làm việc.

Vì vậy, để thay thế cho lực lượng lao động phổ thông, các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng lao động thời vụ, bán thời gian và không yêu cầu kinh nghiệm làm việc chiếm tỷ lệ khá cao với 41,91%, tập trung các vị trí như: Nhân viên kinh doanh; nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng; cộng tác viên tuyển dụng; lao động phổ thông ngành may mặc, ngành thực phẩm, ngành nhựa; nhân viên kho hàng...

SỐ LƯỢNG LỚN LAO ĐỘNG SẼ QUAY TRỞ LẠI THÀNH PHỐ

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM, trong những tháng cuối năm 2021 thị trường lao động TP. HCM có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi thành phố thực hiện nới lỏng giản cách xã hội. Cùng với việc doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo chiều hướng tích cực.

Nhận định về thị trường lao động sau Tết Nguyên đán 2022, Trung tâm cho biết, thời điểm sau Tết phần lớn doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ nhu cầu ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, một lượng lao động lớn từ các tỉnh sẽ quay lại thành phố sau khi tình hình dịch đã ổn định và sau thời gian về quê ăn Tết. Vì vậy, thị trường lao động sau Tết tiếp tục có những chuyển biến tích cực, sôi động trở lại.

Với những hoạt động chăm lo Tết của các cơ quan quản lý Nhà nước , doanh nghiệp về lương, thưởng, phúc lợi và tổ chức cho người lao động về quê ăn Tết, cùng với nhu cầu ở lại thành phố trong những ngày Tết đã góp phần ổn định thị trường lao động sau Tết.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong đó nêu rõ các giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt hỗ trợ lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc. Điều này, góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân sự và cũng là cơ hội việc làm cho sinh viên, học viên, người lao động trong thời gian tới.

Dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên Đán, TP. HCM cần khoảng 44.800 - 55.600 chỗ làm việc. Các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao sau Tết như: Kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển; công nghệ thông tin; dệt may - giày da; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; công nghệ lương thực - thực phẩm; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử…

Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%.

Đơn vị này đánh giá, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, TP. HCM vẫn là địa phương thu hút nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực trẻ. Để thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch, chính sách tuyển dụng nhân sự phù hợp, có phương án đảm bảo về phòng chống dịch trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như các chế độ đãi ngộ xứng đáng dành cho người lao động.

Riêng người lao động, cần chủ động nắm bắt cơ hội, nâng cao khả năng thích ứng, đảm bảo đáp ứng với yêu cầu công việc, đặc biệt là tác phong, đạo đức nghề nghiệp để có được việc làm ổn định và thu nhập phù hợp.