Hai kịch bản thị trường lao động TP. HCM trong năm 2022
Với kịch bản dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế – xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 255.000 – 280.000 chỗ làm việc, còn với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dự kiến năm 2022 cần khoảng 280.000 – 310.000 việc làm…
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM đưa ra hai kịch bản dự báo nhu cầu nhân lực năm 2022 tại TP. HCM.
TĂNG TUYỂN DỤNG TRONG DOANH NGHIỆP NGOÀI NHÀ NƯỚC
Theo dự báo của Trung tâm, năm 2022, thị trường lao động TP. HCM tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến toàn thành phố có 4.931.790 lao động làm việc; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%, công nghiệp – xây dựng chiếm 37,15%, thương mại – dịch vụ chiếm 61,89%.
Dự báo lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 3.127.066 người, trong đó, lao động làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước chiếm 3,01%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 74,50%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 22,49%.
Về nhu cầu nhân lực trong năm 2022, đơn vị này đưa ra hai kịch bản dự báo. Trong đó, với kịch bản thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế – xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 255.000 – 280.000 chỗ làm việc.
Trong đó, nhu cầu nhân lực quý 1 cần khoảng 71.500 – 78.500 chỗ làm việc; quý 2 cần khoảng 59.600 – 65.500; quý 3 cần khoảng 60.600 – 66.500 và quý 4 cần khoảng 63.300 – 69.500.
Ở kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2022 cần khoảng 280.000 – 310.000 chỗ làm việc. Trong đó, quý 1 cần khoảng 78.500 – 86.900 chỗ làm việc; quý 2 cần khoảng 65.500 – 72.500; quý 3 cần khoảng 66.500 – 73.500 và quý 4 cần khoảng 69.500 – 77.100.
Theo loại hình doanh nghiệp, dự báo nhu cầu tuyển dụng trong doanh nghiệp Nhà nước chiếm 1,17% tổng nhu cầu nhân lực, doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 89,66%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,17%.
Theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm 65,41% tổng nhu cầu nhân lực năm 2022, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 33,63% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%.
Trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm, nhu cầu nhân lực chiếm 19,37%, trong đó: ngành cơ khí chiếm 4,37%; sản xuất hàng điện tử chiếm 6,97%; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống chiếm 3,96%; hóa dược – nhựa – cao su chiếm 4,07%.
Trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu, nhu cầu nhân lực dự kiến chiếm 51,26%, trong đó: ngành thương nghiệp chiếm 15,45%; vận tải kho bãi chiếm 4,51%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 5,11%; thông tin và truyền thông chiếm 3,67%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 4,77%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 6,53%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ chiếm 2,51%; giáo dục và đào tạo chiếm 5,1%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 3,61%.
Xét theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 86,28%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 22,52%, trung cấp chiếm 24,43%, cao đẳng chiếm 18,59%, đại học trở lên chiếm 20,74%.
DOANH NGHIỆP CẦN CÓ CHÍNH SÁCH LÀM VIỆC LINH HOẠT
Theo đánh giá của Trung tâm, năm 2021 vừa qua là một năm chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó có cả thị trường lao động, tình trạng thiếu việc làm, mất việc làm dẫn đến mất thu nhập có xu hướng tăng.
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đến đầu tháng 10 tình hình dịch bệnh tại TP. HCM cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã dần khôi phục, quay trở lại sản xuất và thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn hoạt động cầm chừng vì chưa đảm bảo đủ lực lượng lao động trong các khâu sản xuất trực tiếp. Mặt khác vì phải thăm dò tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong sản xuất.
Dự kiến nhiều lĩnh vực như khoa học ứng dụng, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật y sinh, hóa học, sinh học, phân tích dữ liệu…đã và sẽ vươn lên phát triển mạnh mẽ, thị trường lao động cũng sẽ có nhiều chiều hướng phát triển tích cực trong thời gian tới.
Để thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động trong tình hình mới, đơn vị này khuyến nghị các doanh nghiệp cần tạo nơi làm việc an toàn và lành mạnh với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân người lao động.
Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, người lao động cần phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thích ứng và hội nhập.
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM về tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường lao động TP. HCM năm 2021 trong 15.642 doanh nghiệp, với tổng số lao động đang làm việc là 385.724 người, thì có đến 180.840 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chiếm 46,88% tổng số lao động trong doanh nghiệp.
Trong đó, lao động giãn việc/nghỉ luân phiên là 110.572 người, chiếm 61,15% tổng số lao động bị ảnh hưởng; lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc là 42.324 người, chiếm 23,4%; lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 10.955 người, chiếm 6,06%; lao động tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương là 10.801 người, chiếm 5,97%; lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương là 6.188 người, chiếm 3,42%.