14:14 03/04/2025

TP.HCM tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025

Phạm Vinh

Sáng 3/4, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đến năm 2030 và Chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025”…

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại hội thảo, sáng 3/4.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại hội thảo, sáng 3/4.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Đến năm 2030, nỗ lực đưa Thành phố vào Top 100 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động của thế giới.

Ngoài ra, Thành phố đang hiện thực hóa các mục tiêu: Hình thành 5000 startups; Số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm; Tỷ lệ khai thác thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt 8-10%; Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.

“Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa của không chỉ phía cơ quan nhà nước mà từ cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, hội thảo nhằm tạo diễn đàn cùng lắng nghe, trao đổi, thảo luận về các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố theo Nghị quyết số 57; đồng thời, công bố Chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành, phát triển và vươn tầm quốc tế”, ông Thắng cho hay. 

Đại diện Shinhan Future Lab (SFL-V) bà Nguyễn Thị Ngọc Anh đề xuất kết hợp chương trình Đổi mới sáng tạo mở của Shinhan và chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Với chương trình này, SFL-V có thể sẽ triển khai ngay với Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB) trong năm 2025; Xây dựng chương trình Đổi mới sáng tạo mở của TP.HCM nhằm kết nối các startup với các doanh nghiệp lớn tại địa phương (một số ngành trọng điểm của Thành phố). 

Chương trình hướng đến mục tiêu giúp startup hiểu rõ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; từ đó, phát triển các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện kết nối hiệu quả giữa ý tưởng đổi mới và nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp lớn, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thành phố.

Theo báo cáo của Startup Blink năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thành phố đang xếp hạng 111/1000 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động trên thế giới. Đây là một thành quả đáng ghi nhận, và cũng là căn cứ để đặt mục tiêu cao hơn, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể hình thành, phát triển và vươn tầm quốc tế.

Dịp này, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB) trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM giới thiệu về Chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025 và cùng với các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng khởi nghiệp thảo luận đề xuất tham gia chương trình ươm tạo trong năm nay.

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, CƠ SỞ HẠ TẦNG, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC 

Tại Hội thảo, những chia sẻ đến từ các đại diện trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như: Quỹ đầu tư; Tổ chức ươm tạo/Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; Doanh nghiệp dẫn dắt; Startup; Trường Đại học; Các tổ chức kết nối thị trường quốc tế; Các chuyên gia, nhà khoa học…

Trong đó, nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đến năm 2030 sẽ là một phần rất quan trọng góp phần vào thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp và thị trường nhằm định hình tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệp Thành phố phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Theo đó, các giải pháp trên 03 trụ cột chính mà Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất va thu hút rất nhiều sự quan tâm: 

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Chính quyền Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ startup như: đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận vốn, tăng cường các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Thứ hai, xây dựng hạ tầng phục vụ khởi nghiệp sáng tạo. Hạ tầng cho khởi nghiệp không chỉ giới hạn ở không gian làm việc mà còn bao gồm hạ tầng công nghệ, kết nối mạng lưới, trung tâm nghiên cứu và quỹ đầu tư. Thành phố sẽ tiếp tục phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ và khu công nghệ cao, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Con người chính là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp. Thành phố sẽ đẩy mạnh các chương trình đào tạo khởi nghiệp, hợp tác với các trường đại học để nâng cao năng lực của doanh nhân và đội ngũ sáng lập startup. Đồng thời, sẽ có những chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư công nghệ cao đến làm việc và khởi nghiệp tại Thành phố.

TP.HCM đang tích cực, hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, phát triển kinh tế – xã hội xứng tầm của Thành phố trong kỷ nguyên mới, dựa theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Kế hoạch số 1413/KH-UBND ngày 3/3/2025 về việc Triển khai Chương trình hành động số 63-CTrHĐ/TU của Thành ủy TP.HCM về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.