12:44 27/01/2008

Trả lương qua thẻ chưa tiện lợi

Vĩnh Thịnh

Chương trình là hiện đại, là tiện ích, nhưng có lẽ chưa thích hợp vào thời điểm này

Hiện trung bình 20.000 - 30.000 người mới có một máy ATM - Ảnh: Việt Tuấn.
Hiện trung bình 20.000 - 30.000 người mới có một máy ATM - Ảnh: Việt Tuấn.
Đây là nhận xét chung của nhiều người dân hiện nay về chương trình trả lương, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thẻ tín dụng (ATM).

Về tiện ích, chương trình này đã mở ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng đồng thời cũng tạo nên thói quen mới trong sử dụng thẻ ATM. Một điều dễ nhận thấy việc trả lương qua tài khoản thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần giảm thiểu lượng tiền mặt trong lưu thông.

Tuy vậy, khi đi vào thực tế thì chương trình này đã xuất hiện những sự bất tiện như: kẹt mạng, máy hết tiền, máy báo lỗi, khách hàng xếp hàng dài hoặc phải đi nhiều cây số để tìm máy ATM chấp nhận thẻ của mình trong khi máy ATM của các ngân hàng khác ở trước mặt...

Tính đến ngày 31/12/2007, cả nước có 32 ngân hàng tham gia phát hành thẻ với 130 thương hiệu thẻ, 8,3 triệu thẻ được sử dụng; gần 4.300 máy ATM và gần 23.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS). Ngay cả Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chiếm gần 50% tài khoản thẻ trên thị trường cũng chỉ có khoảng 1.000 máy ATM.

Với số lượng máy ATM và điểm POS như vậy, trung bình 20.000 - 30.000 người mới có một máy ATM. Và nếu như tần suất hoạt động của các máy ATM “nóng” như vậy thì hiện tượng máy gặp sự cố là khó tránh.

Nhiều người cho rằng, nếu thiếu máy thì lắp thêm để đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên việc lắp đặt thêm máy ATM là bài toán khó đối với các ngân hàng vì chi phí lắp đặt, vận hành cho một máy ATM lên đến 70.000 USD/năm; địa điểm đặt máy phải an toàn cho ngân hàng và người sử dụng, bảo đảm an ninh...

Một thực trạng nữa là hiện nay, các ngân hàng mạnh ai nấy làm hoặc chỉ liên kết nhỏ lẻ chứ chưa thành một hệ thống liên kết thống nhất. Bước vào một khách sạn, nhà hàng, người ta dễ dàng thấy 3 - 4 máy ATM hoặc POS của nhiều ngân hàng khác nhau.

Trên thị trường hiện tồn tại đến 4 liên minh thẻ độc lập gồm hệ thống của Công ty Cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink do Vietcombank dẫn đầu với 25 thành viên (trong đó chỉ mới 12 ngân hàng triển khai kết nối); hệ thống BanknetViệt Nam; liên minh thẻ VNBC của Ngân hàng Đông Á và liên minh thẻ ANZ/Sacombank.

Những liên minh này còn mang tính tự phát, phục vụ lợi ích của từng nhóm, thậm chí từng ngân hàng. Khách hàng muốn thuận lợi thì phải sở hữu thẻ của nhiều ngân hàng để có thể rút tiền ở nhiều nơi.

Tại Hà Nội, từ tháng 5/2007, chương trình thí điểm chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thẻ ATM đã được tiến hành thí điểm tại 6 phường thuộc địa bàn 5 quận. Trong giai đoạn đầu chương trình đã thu hút sự tham gia của 1.275 đối tượng với tổng số tiền chi trả là 2,2 tỉ đồng; bằng 8,2% so với tổng số lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội của các đơn vị.

Đến tháng 8/2007, có thêm gần 2.000 đối tượng tham gia nhưng tổng số đơn vị triển khai chương trình lại lên đến 22 phường của 6 quận.

Ngày 15/11, tại hội nghị sơ kết chương trình thí điểm, các ban ngành tại Hà Nội đều có nhận xét: chi trả lương hưu qua thẻ ATM ở Hà Nội chỉ thu hút được số lượng người tham gia khiêm tốn và phần lớn người dân không nhiệt tình với phương thức trả lương hiện đại này.

Lý do việc ít người tham gia là do số lượng máy ATM của ngân hàng bố trí chưa nhiều, chỉ tập trung chủ yếu tại những đường phố chính, khu đông dân cư nên không thuận tiện cho người rút tiền. Đồng thời, tài khoản thẻ chưa có sự liên thông giữa các ngân hàng, thẻ của ngân hàng nào chỉ rút tiền được ở máy của hệ thống đó nên cũng bất tiện cho người sử dụng.

Ngoài ra, do tâm lý của đại đa số người dân vẫn giữ thói quen giữ và tiêu dùng bằng tiền mặt nên không mấy nhiệt tình tham gia sử dụng thẻ. Bên cạnh đó, việc đối tượng dùng thẻ là người hưu trí, tuổi cao, mắt kém, sức khoẻ yếu, trí nhớ giảm sút khiến họ gặp nhiều khó khăn.

Bác Kim Dung (65 tuổi, ở khu Giảng Võ - Hà Nội) cho biết, tài khoản nhận lương hưu của bác được mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Tuy nhiên, quanh khu tập thể không có máy rút tiền nào của ngân hàng này. Trong khu tập thể còn nhiều cụ tuổi đã ngoài 80 tuổi, làm thẻ lâu rồi mà vẫn chưa sử dụng được lần nào. Mà muốn đăng ký nhận lương lại như trước thì lại phải ra phường, lên quận làm đủ thứ thủ tục ủy quyền chi, ủy quyền nhận...

Còn bà Mai, ở khu Liễu Giai cho biết, mỗi lần đi rút tiền lương, bà và chồng luôn “hoa cả mắt, buốt cả óc” để thực hiện đúng thao tác nhập mã rút tiền, có những lúc vì “nhớ nhớ, quên quên” của cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nên vợ chồng bà Mai đứng cả tiếng đồng hồ mà mã nhập vẫn sai. Kết quả, hai vợ chồng già đành lững thững dắt nhau đi bộ về nhà.

Trên thực tế, nhiều lỗi của chiếc máy đôi khi khiến cả những khách hàng trẻ, năng động nhất cũng phải bó tay vì sợ... oan gia, nói gì đến người cao tuổi. Ngoài ra, chiếc thẻ hiện đại được đón nhận không mấy mặn mà còn vì ngoài tính năng rút tiền, mọi giao dịch khác vẫn còn quá hạn chế. Thói quen của dân ta vẫn thích ôm một bọc tiền thay vì cầm thẻ tín dụng mỗi khi đi du lịch, đi xa mua sắm vì sợ “cái nẩy xẩy cái ung”.

Như vậy, ngoài việc một số cơ quan liên doanh hay đơn vị nhà nước kinh doanh, nhân viên đã làm quen với các thao tác thanh toán qua thẻ ATM thì việc trả lương mới dễ dàng còn đại đa số người dân hiện còn rất e dè, lo lắng trước những bất tiện của hình thức này. Tại Hà Nội, chương trình này đã gặp vấn đề huống chi tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì việc trả lương qua thẻ ATM đúng là đánh đố người dân.

Đã đến lúc chúng ta nên xem xét, lên kế hoạch cụ thể cho chương trình này. Chương trình là hiện đại, là tiện ích, nhưng có lẽ chưa thích hợp vào thời điểm này.