21:48 23/03/2022

Người lao động được làm thêm không quá 60 giờ/tháng

Phúc Minh

Giờ làm thêm mỗi tháng của người lao động được nâng lên không quá 60 giờ, và tổng số giờ làm thêm trong một năm tối đa 300 giờ, theo Nghị quyết mới được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua...

Ảnh sưu tầm.
Ảnh sưu tầm.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ, nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.

Các trường hợp không áp dụng làm thêm giờ gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, không áp dụng quy định này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ: trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động, được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022. Riêng quy định về số giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về mức trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng, có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất (của Ủy ban Xã hội) cho rằng, việc nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng lên mức không quá 72 giờ là quá cao, mà cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục. Từ đó, Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nên nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ.

Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của người lao động.

Loại ý kiến thứ hai đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Do còn hai loại ý kiến khác nhau, theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai phương án này. Kết quả: 13/18 thành viên tán thành phương án 1; 5/18 thành viên tán thành phương án 2. Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh theo ý kiến đa số.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Điều 98 Bộ luật Lao động quy định, tiền lương làm thêm giờ được trả tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm theo mức: thấp nhất vào ngày thường ít nhất bằng 150%, vào ngày nghỉ hàng tuần ít nhất bằng 200%, vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300%.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người lao động được nâng lên một bước khi phải làm thêm quá mức luật định, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định: “trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”.