Trải nghiệm “phở số” do robot nấu hứa hẹn sẽ gây sốt
Tại lễ hội, du khách sẽ được trải nghiệm không gian phở truyền thống như: phở Thìn bờ hồ, phở gà 37 Hùng Vương, phở cuốn, phở xào… Các gian hàng sẽ sử dụng công nghệ số, giúp việc gọi món và phục vụ diễn ra nhanh chóng, thuận tiện…
Chiều 25/11, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội tổ chức họp báo, thông tin về sự kiện Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024. Tại sự kiện, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết lễ hội có chủ đề Hà Nội kết nối năm châu nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực thông qua phát triển nền văn hóa, ẩm thực tinh túy, đặc sắc, chất lượng.
"Chúng tôi mong muốn văn hóa ẩm thực Hà thành xưa và Hà Nội nay đến được với công chúng. Lễ hội sẽ là cầu nối để người dân và du khách có thể tiếp cận những sản phẩm làng nghề và sản phẩm đại chúng trên địa bàn Hà Nội," ông ông Đỗ Đình Hồng nói.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để Thủ đô Hà Nội và Đại sứ quán các nước, các địa phương, tổ chức cá nhân gặp gỡ, giao lưu, trưng bày quảng bá sản phẩm, tăng cường, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa nhân dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với bạn bè quốc tế.
Được biết, trong 3 ngày diễn ra lễ hội sẽ có hơn 80 gian hàng để phục vụ khách tham quan, quy tụ các gian hàng đến từ các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội, các sản vật ẩm thực tiêu biểu của các địa phương. Từ đó, 3 khu vực chính sẽ bao gồm: khu vực ẩm thực quốc tế, khu vực giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực tiêu biểu của các làng nghề truyền thống và các hoạt động trình diễn của các nghệ nhân và khu vực giới thiệu sản phẩm và thưởng thức ẩm thực với các hoạt động trải nghiệm.
Du khách sẽ được trải nghiệm khu vực giới thiệu sản phẩm và thưởng thức ẩm thực với các hoạt động trải nghiệm, nơi quy tụ những tinh hoa, đặc sắc mang dấu ấn của ẩm thực địa phương và cùng nhau trải nghiệm không gian ẩm thực sáng tạo dưới đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của các nghệ nhân, đầu bếp "thổi hồn" vào các món ăn trở thành tác phẩm nghệ thuật ẩm thực độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đáng chú ý, chương trình "Phở số Hà Thành" là một trong những điểm nhấn đặc biệt tại lễ hội. Bên cạnh tôn vinh giá trị món phở truyền thống của Hà Nội, chương trình lần đầu giới thiệu tới người dân món "phở số" với cái nhìn hoàn toàn khác biệt về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành ẩm thực Việt Nam.
Thực khách sẽ có cơ hội trải nghiệm các món phở truyền thống đặc trưng với robot thông minh đảm nhận chính xác từ khâu chan nước phở, thêm đồ ăn phụ đi kèm… cho tới công đoạn phục vụ trên bàn ăn. Những robot thông minh này sẽ thay thế con người trong một số công đoạn, tạo ra một trải nghiệm ẩm thực phở có thể lan tỏa nhiều hơn đến mọi người, các vùng miền. "Đến thưởng thức phở do robot phục vụ, thực khách vẫn phải đứng xếp hàng trật tự, giá của bát phở vẫn sẽ bằng giá bán trên thị trường", đại diện đơn vị đưa robot thông minh vào phục vụ chia sẻ.
“Những robot thông minh sẽ thay thế con người trong những công việc sản xuất và phục vụ, tạo ra một trải nghiệm ẩm thực Phở có thể giới thiệu lan toả nhiều hơn đến mọi vùng, miền,” ông Đỗ Đình Hồng khẳng định. “Robot chỉ hay thế con người ở một vài công đoạn nhất định. Do đó, ‘phở số’ chỉ là một bước tiến trong ứng dụng công nghệ số, không ảnh hưởng đến tính di sản của món phở truyền thống Việt Nam”.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có tọa đàm Bảo vệ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể phở Hà Nội được tổ chức vào sáng 1/12 tại sân khấu chính ở công viên Thống Nhất cũng cho du khách hiểu hơn về phở.
Theo Ban tổ chức, năm 2024, Phở Hà Nội chính thức được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là sự ghi nhận về giá trị lịch sử và văn hóa, mà còn mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển bền vững tinh hoa ẩm thực truyền thống của Thủ đô. Hiện nay, chủ thể thực hành di sản chính là các chủ cửa hàng phở, những người giữ gìn và truyền thụ nghề qua nhiều thế hệ trong gia đình, vừa bảo tồn tri thức vừa tạo sinh kế cho cộng đồng. Cửa hàng phở là không gian để mọi người kết nối giao lưu, là nơi gặp gỡ của những người bạn chung sở thích về ẩm thực.
Tính đến năm 2023, trên địa bàn Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở. Trong đó, những thương hiệu phở gia truyền (trên 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà và tập trung chủ yếu tại quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và quận Hai Bà Trưng.
Bên cạnh đó, sự kiện có các hoạt động trình diễn của các nghệ nhân của các làng nghề lâu đời như: Bánh tôm Hồ Tây, bún Phú Đô, giò chả Ước Lễ, cốm làng Vòng, cốm Mễ Trì, xôi, chè Phú Thượng, bánh chưng Tranh Khúc, nem Phùng, bánh dày Quán Gánh, bánh tẻ Phú Nhi, cháo gõ Quảng Phú Cầu, cháo se Hạ Mỗ, miến làng So…
Lễ hội cũng có nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa, ẩm thực thủ đô Hà Nội nói riêng và sự đa dạng, phong phú của ẩm thực quốc tế nói chung, như: triển lãm ảnh giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật về văn hóa, du lịch, ẩm thực tiêu biểu trong nước, quốc tế và các hình ảnh hợp tác hữu nghị giữa các nước; khu vực triển lãm sách lưu động nội dung về ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội, Việt Nam và quốc tế…
Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 1/12 tại công viên Thống Nhất, Hà Nội.