Tránh gây tác dụng ngược khi tăng thuế suất
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành đồ uống cho rằng việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu bia, nước giải khát có đường cần theo lộ trình phù hợp, tránh hiện tượng “khó chồng khó”, nhanh quá có thể gây sốc và tác dụng ngược...
Trong Tờ trình về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gửi đến Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm.
DỰ THẢO CÒN MANG TÍNH CÀO BẰNG
Bộ Tài chính đề xuất hai phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu.
Phương án 1, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia, rượu trên 20 độ sẽ tăng từ năm 2026 lên 70%; 2027 là 75% và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến năm 2030 lên 90%. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng lên 40% vào năm 2026 và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến 60% vào năm 2030.
Phương án 2, thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ sẽ tăng lên 80% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% lên đến 100% vào năm 2030. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng lên 50% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% cho đến 70% vào năm 2030. Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2.
Tại hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam phối hợp tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, phân tích: bức tranh kinh tế toàn cầu suy giảm, phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, môi trường kinh doanh quốc tế có nhiều rủi ro, bất định và đều tác động khá mạnh đến Việt Nam với nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng.
Cùng với khó khăn chung, doanh nghiệp ngành đồ uống còn đối mặt với những khó khăn riêng: không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế VAT (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn; chịu tác động từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý hành chính vi phạm nồng độ cồn; chi phí, giá nguyên vật liệu chính tăng từ 15-40%; tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng trôi nổi đối với rượu, bia khá phức tạp; lối sống, hành vi tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp ngành phải thích ứng.
Riêng với ngành đồ uống, lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước).
Với Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ông Lực cho rằng có thể sẽ tác động làm tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung hạn và dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, do đó giảm thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp… Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ.
“Đối với đồ uống có đường, việc tăng thuế chưa chắc đã giúp giảm tỷ lệ các căn bệnh béo phì, tim mạch,… (vì có nhiều nguyên nhân khác), do đó không giúp giảm áp lực lên ngân sách nhà nước hỗ trợ y tế”, ông Lực băn khoăn; đồng thời, ông Lực nhấn mạnh rằng cách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường chưa chắc đã tác động đến đúng đối tượng cần điều chỉnh hành vi và việc “chuyển dịch” sang nước giải khát khác sẽ tăng, có thể làm tăng béo phì, tim mạch ở góc độ khác.
Việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách nhà nước lâu dài; tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, dịch vụ ăn uống…). Hơn nữa, Dự thảo còn mang tính cào bằng đối với đồ uống có nồng độ cồn khác nhau; khó điều tiết hành vi tiêu dùng…
CẦN CÓ LỘ TRÌNH PHÙ HỢP
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, các đạo luật thuế có vai trò quan trọng với các ngành hàng, trong đó ngành đồ uống chịu tác động một cách trực tiếp, rất lớn từ dự thảo luật lần này. Việc thực hiện nghĩa vụ thuế là cần thiết nhưng cần xác đáng, thuyết phục và gắn với hiệu quả kinh doanh.
“Sắc thuế đưa ra cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo ổn định hoạt động kinh doanh. Chính sách cần dựa trên lập luận, có căn cứ khoa học, với cái nhìn tổng quan. Mục tiêu áp thuế là tăng thu ngân sách, nhưng liệu tiêu dùng có giảm không, sức khỏe của người dân và việc làm, cạnh tranh ngành hàng thế nào?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Đồng tình, ông Lực cho rằng cần làm rõ hơn mục đích tăng thuế lần này, để tăng thu hay điều tiết tiêu dùng. Đảm bảo nguyên tắc, lợi ích trách nhiệm và tính khả thi, đánh giá đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn hơn. Đa dạng nguồn thu nhưng không nên tận thu, mà phải nuôi dưỡng nguồn thu.
Do đó, ông Lực đề nghị cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam, hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; có đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đồng thời, cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi, tránh hiện tượng “khó chồng khó”, nhanh quá có thể gây sốc, gây tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng loại đồ uống khác có tác hại nhiều hơn…
Mặt khác, nên áp thuế suất theo nồng độ cồn, hàm lượng đường,… tránh cào bằng. Cần xem xét cả phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp thay vì chỉ tính thuế tương đối. Đồng thời, rà soát đảm bảo đồng bộ, nhất quán với các luật liên quan, như: Luật Phòng chống tác hại rượu, bia; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quảng cáo; Luật Chất lượng sản phẩm - hàng hóa; Luật Bảo vệ môi trường…
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam, đề xuất về mức tăng và lộ trình tăng thuế. Theo đó, bà Ánh kiến nghị thuế suất đối với bia sẽ giữ ổn định ở mức 65% trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ ngày Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có hiệu lực, sau đó 3 năm thì tăng một lần và tăng không quá 3-5% mỗi lần.
Bên cạnh đó, từ lý thuyết về đường cong Laffer (Laffer Curve), bà Ánh phân tích, khi thuế suất tăng vượt điểm tối ưu, mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do doanh số sụt giảm. Ví dụ, ở Bỉ, tháng 11/2015, Chính phủ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu mạnh lên hơn 40% với dự kiến thu thêm 128 triệu EUR cho 6 tháng năm 2016. Tuy nhiên, do lượng hàng bán giảm 33% khi giá các sản phẩm rượu mạnh tăng hơn 20%, doanh thu của Chính phủ không tăng. Đồng thời, người tiêu dùng chuyển sang mua rượu mạnh ở Luxembourg và ở miền Bắc nước Pháp, các khu vực này có doanh số tăng gấp đôi.
Theo đại diện Heineken, biểu thuế hiện tại chưa thể hiện sự nhất quán, bởi tác dụng ảnh hưởng của đồ uống có cồn là do độ cồn trong sản phẩm. Vì vậy, có thể dùng thuế tiêu thụ đặc biệt như công cụ điều tiết, khuyến khích đổi mới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Như vậy, thiết thực nhất là có quy định cụ thể về mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại đồ uống có nồng độ cồn khác nhau. Các quốc gia khác cũng đều khuyến cáo như vậy, đặc biệt là thuế rượu lúc nào cũng cao hơn thuế bia bởi mức độ tác hại lớn hơn. Điều này cũng thống nhất với các quy định hiện hành trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Luật Quảng cáo, rượu, bia đã được chia thành 3 nhóm có nồng độ cồn lần lượt là dưới 5,5 độ, từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và từ 15 độ trở lên.
Vì vậy, bà Ánh kiến nghị, mức thuế 65% áp dụng đối với sản phẩm bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống và tăng dần theo các mức nồng độ cồn khác. Đồng thời, cần phải kết hợp với các chương trình tuyên truyền uống có trách nhiệm, tách biểu thuế để tạo ra sự khuyến khích đổi mới, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn, tạo ra sự nhất quán, công bằng giữa các sản phẩm rượu và bia...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2024 phát hành ngày 12/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam