14:31 12/08/2024

Tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt: Lo ngại đồ uống bất hợp pháp lan rộng

Trâm Anh

Các chuyên gia lo ngại rằng khi tăng mạnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn và bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt dẫn đến hàng hóa chính thống của ngành này bị lấn át. Khi đó, đồ uống bất hợp pháp lan rộng, mục tiêu giảm tiêu thụ đồ uống có cồn không đạt và thất thu ngân sách...

Cứ mỗi lần tăng thuế, theo quan sát của lãnh đạo Halico, người tiêu dùng càng có xu hướng chuyển sang sử dụng rượu lậu, rượu nhái.
Cứ mỗi lần tăng thuế, theo quan sát của lãnh đạo Halico, người tiêu dùng càng có xu hướng chuyển sang sử dụng rượu lậu, rượu nhái.

Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn liên tục tăng kể từ năm 2008 đến nay. Cụ thể, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu từ 20 độ tăng 20%, từ 45% lên 65%; với rượu dưới 20 độ, mức tăng là 10%, từ 25% lên 35%; với bia tăng 20%, từ 45% lên 65%.

Cũng trong khoảng thời gian này, theo thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), ngân sách nhà nước tăng gấp 3 lần và tỷ trọng của thuế tiêu thụ đặc biệt trong tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 5,8% lên mức 8,8% (năm 2023), đóng góp quan trọng giúp tăng thu ngân sách bền vững. Do phần lớn thuế tiêu thụ đặc biệt đến từ các tổng công ty, nhà máy lớn nên thu ngân sách nhà nước tương đối tập trung, ổn định.

NAN GIẢI KIỂM SOÁT BIA, RƯỢU LẬU

Dù thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn liên tục tăng, song một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cho thấy trong khoảng 10 năm (2005 - 2015), lượng tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân một người trong năm tăng gấp hơn 2 lần, tỷ lệ người lạm dụng rượu, bia (tiêu thụ ít nhất 60 gram cồn nguyên chất ít nhất 1 lần/1 tháng) trên tổng dân số tăng gấp 10 lần.

Tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt: Lo ngại đồ uống bất hợp pháp lan rộng - Ảnh 1

Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu chính sách quản lý đối với đồ uống có cồn nói chung và chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn nói riêng có đạt được mục tiêu đề ra là điều tiết tiêu dùng xã hội?

Chia sẻ gần đây, ông Trần Hậu Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội – Halico, lưu ý rằng việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng rượu những năm gần đây từ 30% đến 65% hiện hành có lẽ không mang lại tác dụng giảm tiêu dùng rượu cũng như tăng bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

"Cứ mỗi lần tăng thuế, theo quan sát của chúng tôi, người tiêu dùng càng có xu hướng chuyển sang sử dụng rượu lậu, rượu nhái”, ông Cường nói.

Qua chuyến khảo sát thị trường miền Bắc mới đây, lãnh đạo Halico nhận thấy rất nhiều siêu thị tư nhân, cửa hàng bán rượu nửa lít chỉ với giá 18.000 đồng, dù vẫn dán tem mác nhưng không phải tem điện tử do Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế phát hành.

Lãnh đạo Halico bộc bạch rằng với ngành rượu, khó khăn lớn nhất là sự cạnh tranh không công bằng, giữa một bên là doanh nghiệp kinh doanh chính thống, đóng thuế đầy đủ, một bên thì trốn thuế.

Là doanh nghiệp kinh doanh sản xuất rượu lâu đời 120 năm tại Việt Nam, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng theo ông Cường, hiện nay là giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, sức tiêu dùng sụt giảm.

 
Ông Trần Hậu Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội – Halico.
Ông Trần Hậu Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội – Halico.

"Về lộ trình tăng thuế, cần xem xét lộ trình tăng thuế phù hợp, mức tăng thuế cũng hiệu chỉnh phù hợp. Chúng tôi tính toán đến năm 2030, mức thuế hợp lý với rượu trên 20 độ là 80%, rượu dưới 20 độ là 50%, tức tăng 15% so với quy định hiện hành.

Quan trọng hơn, Chính phủ cần quan tâm hơn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thay vì tăng thuế, cần có hai giải pháp áp dụng ngay, đó là tăng cường quản lý chất lượng và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, để rượu sản xuất ra chất lượng hơn, người dân tiếp cận được rượu đảm bảo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, người dân hiểu về rượu chất lượng, còn khi đã uống rượu thì chỉ uống đủ liều lượng, đảm bảo sức khỏe và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, để ngành rượu phát triển bền vững thời gian tới".

Đại diện cơ quan quản lý thị trường cũng cho rằng sự chênh lệch lớn về thuế suất, chi phí tuân thủ... giữa rượu, bia hợp pháp và bất hợp pháp dẫn đến sự chênh lệch giá quá cao giữa sản phẩm hợp pháp và bất hợp pháp. Điều này tạo động lực cho các đối tượng kiếm lời phi pháp, còn người dân sẽ lựa chọn giá sản phẩm rẻ hơn, tiện dụng hơn mà không quan tâm đến chất lượng. Khi đó, tình trạng bia cỏ, rượu nút lá chuối như trước đây có thể tái diễn.

Với mặt hàng rượu, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) xử lý 153 vụ, số tiền xử phạt 1,5 tỷ đồng, số lượng tang vật là 18.671 chai và 14.682 lít. Đối với mặt hàng bia đã xử lý 38 vụ, số tiền xử phạt 587 triệu đồng, số lượng tang vật 16.239 lon.

Dù kết quả đáng ghi nhận nhưng theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng kiểm tra, giám sát còn mỏng, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan nên rượu, bia bất hợp pháp vẫn tràn lan.

ĐÁNH GIÁ KỸ VIỆC DỊCH CHUYỂN SANG KHU VỰC PHI CHÍNH THỨC

Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia đang được đề xuất tiếp tục tăng theo lộ trình. Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính còn dự kiến bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bình luận về đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên mức cao và liên tục với rượu, bia như Bộ Tài chính lấy ý kiến, bà Nguyễn Thị Cúc, chuyên gia cao cấp về thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), cho rằng chính sách tăng thuế có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra.

“Việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu, bia, tuy nhiên chưa hẳn đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ mặt hàng rượu, bia, hạn chế tác hại việc uống rượu, bia ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu”, bà Cúc đánh giá.

Hơn nữa, người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp có nhiều khả năng chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế; không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Theo đó, mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng khó thực hiện.

Góp ý về việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt,  Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế đề nghị cân nhắc thấu đáo khi bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời, xem xét lượng đường bao nhiêu là phù hợp, 5g/100ml hay 7 hoặc 8g/100 ml như kinh nghiệm của một số nước có đánh thuế. Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm khác khó kiểm soát như: siro, trà sữa cũng cần tính đến...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2024 phát hành ngày 12/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt: Lo ngại đồ uống bất hợp pháp lan rộng - Ảnh 2