09:12 15/09/2022

Triển lãm Vietstock Expo & Forum 2022: Cơ hội tiếp cận công nghệ mới cho ngành chăn nuôi

Vũ Khuê

Lựa chọn giải pháp công nghệ hiện đại phù hợp cho chuỗi giá trị chăn nuôi- thuỷ sản- chế biến từ trang trại đến bàn ăn sẽ giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững và cạnh tranh trên thị trường quốc tế...

Phát triển ngành chăn nuôi vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Phát triển ngành chăn nuôi vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 12-14/10 tới, Triển lãm Vietstock Expo & Forum 2022 chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã tham gia để tiếp thu, lựa chọn công nghệ cũng như có định hướng về phát triển bền vững.

Được chủ trì bởi Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, triển lãm dự kiến có quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Dương bao quát các giải pháp toàn diện trong ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/9, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, ngành chăn nuôi đã và đang góp phần quan trọng vào an ninh dinh dưỡng quốc gia, tạo sinh kế gần 10 triệu hộ gia đình trên cả nước, với đóng góp 25,2% vào GDP nông nghiệp.

Cuộc họp báo ngày 14/9
Cuộc họp báo ngày 14/9

Tuy nhiên, trong phát triển ngành vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn, như tổ chức sản xuất thiếu tính liên kết giữa sản xuất với thị trường, quản trị trong sản xuất còn yếu. Tính đến 2021, cả nước mới chỉ có 1.100 liên kết chăn nuôi (tổ hợp tác, nhóm hộ và hợp tác xã chăn nuôi), trong đó, chỉ có 5% số chuỗi liên kết áp dụng các các giải pháp truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo, dễ đổ vỡ khi có biến động dịch bệnh, thị trường.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, năm 2021 nhập khẩu trên gần 20 triệu tấn. Cho đến nay, Việt Nam mới chủ động được một phần con giống, hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn con giống từ nước ngoài.

Mặt khác, hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi còn yếu, kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm còn chưa tốt. Chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học, công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều khó khăn nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ. Dịch bệnh vẫn liên tục đe dọa sự bền vững của nền sản xuất chăn nuôi…

Không chỉ vậy, theo ông Chinh, ngành chăn nuôi đang và sẽ phải thay đổi để thích nghi, phát triển trong bối cảnh mới. Điển hình, toàn cầu hóa về thị trường xen lẫn các hình thức bảo hộ sản xuất và chiến tranh thương mại tác động lớn các chuỗi cung ứng.

Cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng khi Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia 17 hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới… Yêu cầu sản phẩm chăn nuôi ngày càng phải ngon hơn, an toàn thực phẩm cao hơn, giá thành sản xuất phải rẻ hơn mới tạo được lợi thế cạnh tranh.

Đặc biệt, đi cùng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm từ chăn nuôi sẽ tăng khi chăn nuôi ở quy mô lớn nhưng yếu kém trong kiểm soát chất thải. Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang diễn biến phức tạp, khó lường tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu, làm phát sinh những biến động lớn của thị trường.

“Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tạo ra những đột phá trong quản lý, quản trị và sản xuất với xu hướng chuyển đổi số gắn với chăn nuôi công nghệ cao; các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số sẽ phát triển mạnh… nếu ngành chăn nuôi Việt Nam không đổi mới, sáng tạo và bắt kịp xu hướng phát triển thì không thể phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Chinh nhấn mạnh.

Do đó, để phát triển bền vững, theo ông Chinh, doanh nghiệp và người chăn nuôi cần đầu tư công nghệ, hợp tác phát triển. Trong đó, cần phải đổi mới quy trình, tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, phúc lợi động vật, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên nhằm giảm chi phí sản xuất. Phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn…

“Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, chúng tôi mong muốn có những triển lãm như Vietstock Expo & Forum 2022 để các đối tác trong ngành chăn nuôi, hiệp hội, đặc biệt là bà con nông dân có cơ hội tiếp cận công nghệ, có định hướng lựa chọn công nghệ phù hợp để bảo đảm các yếu tố trong phát triển bền vững cũng như sinh kế, thu nhập cho người dân”, ông Chinh nhấn mạnh.

Bà Rungphech Chitanuwat Rose, Giám đốc khu vực ASEAN Tập đoàn Informa Markets (đơn vị tổ chức triển lãm) chia sẻ, Vietstock 2022 dự kiến có sự tham gia của hơn 150 đơn vị trưng bày bao gồm các thương hiệu quốc tế và trong nước hàng đầu như Famsun, Big Herdsman, Pigtek, Big Dutchman, De Heus...

Một trong những điểm nhấn của triển lãm lần này là lần đầu tiên khu gian hàng Waste-to-Energy Pavilion với chủ đề “Xử lý chất thải trong chăn nuôi thành năng lượng tái tạo” được ra mắt nhằm giới thiệu mô hình Biogas, Biomass cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong cộng đồng chăn nuôi.

Khu gian hàng sẽ tạo ra nhiều cơ hội tiềm năng cho các nhà cung cấp dịch vụ và công nghệ Biogas trong nước và quốc tế kết nối với nông dân và khách mua hàng ở Việt Nam và các nước khác trong khu vực.