Triển vọng ngành thép khả quan, SMC nâng gấp đôi kế hoạch lãi sau thuế 2021
HĐQT CỦA SMC đã thông qua việc điều chỉnh tăng mục tiêu lãi sau thuế năm 2021 của toàn hệ thống lên thành 300 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) vừa điều chỉnh tăng mục tiêu lãi sau thuế năm 2020 lên mức 300 tỷ đồng, gần gấp đôi con số trước đó.
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 trước đó của SMC, công ty chỉ đặt kế hoạch thận trọng với lãi sau thuế 160 tỷ đồng (giảm 49% so với kết quả 2020), trong đó ước tính sản lượng thép tiêu thụ các loại đạt 1,35 triệu tấn.
Cơ sở cho kế hoạch kinh doanh mới của SMC là trong giai đoạn cuối năm 2020, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng chóng mặt, vượt mốc 700 USD/tấn vào ngày 08/12/2020. SMC là doanh nghiệp thương mại thép và gia công thép dẹt, biên lợi nhuận của công ty phụ thuộc vào biến động của giá thép. Các mảng hoạt động chính của SMC đều sử dụng thép HRC làm nguyên liệu đầu vào. Trong những tháng cuối năm 2020, giá bán các sản phẩm thép thành phẩm từ thép xây dựng cho đến ống thép, tôn mạ đều tăng đáng kể.
Ngành thép Việt Nam cũng dự báo được hưởng lợi lớn nhờ kinh tế hồi phục, đặc biệt khi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai, như cao tốc Bắc-Nam, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành. Cùng với đó, thị trường nhà ở được dự báo có thể nóng trở lại trong 2021.
Dự đoán thị trường thép năm 2021, CTCK Mirae Asset (Mirae) dự phóng sản lượng ngành thép Việt Nam năm nay tăng 15,7%, cao gấp ba lần dự phóng tăng trưởng sản lượng thế giới. Trong khi đó, CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá nhu cầu thép trong nước sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ sự phục hồi của ngành bất động sản bên cạnh động lực từ đầu tư công.
Ngành thép đang tăng trưởng trở lại khi trong 2 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu thép các loại tăng 67,4% so với cùng kỳ, đạt trên 1 triệu tấn. Đối với thép thô, cả nước đã sản xuất đạt 3.192.000 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 3.126.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ, số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).