14:22 04/11/2016

“Trịnh Xuân Thanh khó mà trốn được”

Hà Minh

Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương kêu gọi ông Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 4/11, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nói rõ, lệnh truy nã đối với ông Trịnh Xuân Thanh là vô thời hạn, tức là cơ quan điều tra sẽ truy đến cùng và ông Thanh “khó mà lẩn trốn được”.

Tướng Vương cũng kêu gọi ông Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. “Đó cũng là bản lĩnh của con người. Anh dám làm, dám chịu”, ông nhấn mạnh.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương thì luật pháp Việt Nam có lượng khoan hồng rất lớn. Truyền thống dân tộc là “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. 

“Tôi nói là khó mà lẩn trốn được, nên kêu gọi ông Thanh về đầu thú. Tôi muốn nói điều này, kể cả với ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh sinh ra trong một gia đình đáng quý, có truyền thống. Gây ra sự việc như vậy cũng phải chịu trách nhiệm, chứ không thể bỏ trốn”, ông Vương nhấn mạnh.

Ông giải thích thêm, Bộ luật Hình sự đã có quy định rất rõ: tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng..., trong đó có những loại thời hiệu của lệnh truy nã là vô thời hạn, có nghĩa là không có thời gian kết thúc, và vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh thuộc dạng đó. 

Không phủ nhận việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh là khó khăn, bởi “bắt giữ đối tượng ở nước ngoài không phải dễ”, Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho biết Việt Nam với Đức đã từng có tương trợ tư pháp và quan hệ của Việt Nam với các nước trong lĩnh vực thực thi pháp luật cơ bản là tốt. 

Liên quan đến việc phong tỏa tài sản của những người đã bị khởi tố điều tra như ông Trịnh Xuân Thanh, tướng Vương cho biết: “Theo quy định, phải tiến hành kiểm tra, phong tỏa, có thể tài sản của họ, có thể là những tài sản liên đới, kể cả của người thân, để chứng minh rõ ràng”. 

Còn về trường hợp cụ thể như biệt thự tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã từng được báo chí đề cập, ông Vương nói,“cơ quan điều tra đang làm để phân tích rõ, bởi tài sản chung riêng hoặc bán đi rồi không thể kê biên của người khác vào đấy được, chỉ kê biên tài sản của họ hoặc tài sản liên đới của người thân và có liên quan vụ án”. 

Theo Thứ trưởng Công an, trong trường hợp chưa bắt được ông Trịnh Xuân Thanh, vụ án vẫn sẽ được đưa ra xét xẻ nếu đủ yếu tố, đủ chứng cứ. Tội ai mắc đến đâu, mức độ thế nào, điều tra tài liệu tới đâu xử tới đấy. Còn lại vẫn có thể tách ra để điều tra tiếp.

“Đây là vụ án mà dư luận nhân dân đang đặt ra nhiều câu hỏi cần phải giải đáp. Có đúng là thất thoát 3.300 tỷ đồng không? Cá nhân các đối tượng có liên đới trách nhiệm như thế nào, sai phạm như thế nào? Trước mắt có dấu hiệu cố ý làm trái rồi, nhưng bên cạnh đó có tham ô, tư lợi không hoặc có thiếu tinh thần trách nhiệm không thì phải tiếp tục làm thấu đáo”, tướng Vương trao đổi.

Biện pháp ngăn chặn không thể áp dụng tuỳ tiện

Cuộc trao đổi của Thượng tướng Lê Quý Vương với báo chí diễn ra ngay sau khi có thông tin ông Vũ Đình Duy - nguyên Tổng giám đốc PVTex - đã vắng mặt ở cơ quan nhiều ngày, và được cho biết “đang đi chữa bệnh ở nước ngoài”.

 Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết cơ quan công an chưa nhận được thông tin, tài liệu nào về vụ việc cụ thể này. Ông cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc điều tra tội phạm kinh tế là rất khó khăn. 

“Công dân nào cũng có quyền được cấp hộ chiếu. Cấp hộ chiếu phổ thông thủ tục rất đơn giản, thuận lợi, việc đi lại một số nước trong khu vực cũng vậy. Dư luận còn nói đến việc một số người có tài khoản ở nước ngoài, “thẻ xanh”, thậm chí một số người có thẻ APEC. có thể đi lại một số nước... Chuyện đó cũng đặt ra vấn đề hết sức khó khăn. Về mặt quản lý Nhà nước, trong kiểm soát xuất nhập cảnh chỉ quản lý việc qua lại công khai qua cửa khẩu tại sân bay, hải cảng, qua biên giới. Xung quanh biên giới của mình rất rộng: đường bộ giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia; biên giới đường biển, các chuyến tàu vận tải qua lại, nhiều khi bị lợi dụng đi lại rất dễ dàng”, ông Vương nói.

Về câu hỏi có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với những đối tượng thuộc “tầm ngắm” hay không, Thượng tướng cho biết không thể làm việc này, bởi “Bộ luật Hình sự đã quy định một người chỉ có tội khi tòa án có bản án và bản án có hiệu lực thi hành. Trừ trường hợp phạm pháp quả tang, công an bây giờ muốn bắt giữ người phải theo Bộ luật Tố tụng hình sự mới, giữ khẩn cấp thì ngay sau đó cũng phải báo cáo viện kiểm sát để phê chuẩn, nên rất khó cho công tác điều tra”. 

Theo ông, hiện việc quản lý công dân qua nhân khẩu, hộ khẩu theo Luật Cư trú rất thông thoáng. “Chỉ có các đối tượng hình sự: có tiền án, nghi vấn có hoạt động hình sự thì còn có biện pháp, theo dõi, quản lý chặt chẽ được”. Còn các đối tượng này đa số cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, có trường hợp là đảng viên... 

Vậy, liệu cơ quan công an có đề xuất một biện pháp nào đó để ngăn chặn cán bộ vi phạm trốn ra nước ngoài?

Hồi âm câu hỏi này, tướng Vương cho biết cơ quan công an sẽ có những đề xuất cụ thể, nhưng “anh chưa chứng minh được người ta phạm tội, người ta chưa bị khởi tố, chưa bị phát sinh về mặt tố tụng thì không thể nói lý do này lý do kia để cấm người ta được. Đó là vi phạm quyền công dân. Hiến pháp quy định rất rõ, công dân chỉ bị hạn chế quyền khi pháp luật quy định. Lực lượng công an cũng không đề ra để hạn chế người ta được. Lực lượng công an chỉ có tuân thủ pháp luật. Luật quy định thế nào thì làm như vậy”. 

Ông cũng nhấn mạnh, có sơ hở trong vấn đề quản lý cán bộ, còn lỗi ở đâu, lỗi như thế nào và tại sao như thế thì phải xem xét, đánh giá cụ thể mới kết luận được.

“Không phải cứ đi ra nước ngoài thì nói là bỏ trốn. Hôm nay anh khẳng định ông này bỏ trốn, mai kia họ về thì ai cải chính cho? Nên nói phải có sách mách có chứng. Cái gì có chứng cứ mới nói, còn không có chứng cứ không thể nói ào ào được”, Thứ trưởng nói.