16:29 19/11/2022

Trợ giúp các cơ quan báo chí tìm đường chuyển đổi số đúng, mô hình kinh doanh đúng

Phan Anh

Lần đầu tiên một chương trình đào tạo mang tính hệ thống toàn diện được triển khai nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng mới giúp các cơ quan báo chí Việt Nam xây dựng chiến lược và đổi mới kinh doanh để chuyển đổi số thành công...

Tổng kết Chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí năm 2022(Vietnam GNI 2022).
Tổng kết Chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí năm 2022(Vietnam GNI 2022).

Chiều ngày 18/11/2022 đã diễn ra lễ tổng kết Chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí năm 2022 (Vietnam GNI 2022) do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Google châu Á- Thái Bình Dương đồng tổ chức.

Chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí năm 2022 (Vietnam GNI 2022) diễn ra từ tháng 9- 11/2022 với sự tham gia của hơn 500 nhà báo thuộc 182 cơ quan báo chí trên cả nước.

Được thiết kế với 3 khóa tổng quan và 8 khóa chuyên sâu, tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM với sự tham gia của 4 giảng viên, 18 diễn giả, Chương trình tập trung vào 4 nội dung “nóng” trong hành trình chuyển đổi số, phát triển, tìm kiếm mô hình kinh doanh trong các cơ quan báo chí như: phát triển độc giả; phát triển và khai thác dữ liệu; doanh thu từ quảng cáo; doanh thu từ độc giả.

Các đại biểu tại Lễ tổng kết Chương trình chuyển đổi số báo chí ngày 18/11/2022. 
Các đại biểu tại Lễ tổng kết Chương trình chuyển đổi số báo chí ngày 18/11/2022. 

Ngoài việc cập nhật thông tin về các xu thế công nghệ mới của báo chí thế giới, chương trình đào tạo đã cung cấp cho các cơ quan báo chí các kỹ năng và giới thiệu một số công cụ, ứng dụng giúp phát triển lượng độc giả và giữ tương tác với độc giả; nâng cao trải nghiệm của độc giả để thúc đẩy doanh thu từ quảng cáo.

Các chuyên gia cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm về phát triển doanh thu từ độc giả của báo chí trong và ngoài nước; từ đó gợi ý những mô hình có thể áp dụng cho các cơ quan báo chí Việt Nam. Những vướng mắc trong câu chuyện chuyển đổi số báo chí cũng được các nhà báo tham gia khóa học chia sẻ với đồng nghiệp…

Phát biểu tại lễ tổng kết Chương trình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã trân trọng cảm ơn Google và Sáng kiến Tin tức Google (GNI) đã nhen nhóm câu chuyện này từ những ngày đầu với các đơn vị của Cục Báo chí; cũng như sự quan tâm thực chất và xuyên suốt của lãnh đạo các cơ quan báo chí. Đây là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của Chương trình.

Để chương trình đạt được hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề nghị Cục Báo chí phối hợp với Google nghiên cứu xây dựng cuốn cẩm nang Chuyển đổi số cho báo chí để các cơ quan báo chí có cơ sở, có lý luận để thực hiện chuyển đổi số thành công.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tiếp tục đồng hành với các cơ quan báo chí để làm thế nào tìm ra con đường chuyển đổi số đúng, mô hình kinh doanh đúng hướng tới bảo đảm sự phát triển lành mạnh trên môi trường số.

Chia sẻ ấn tượng về tinh thần ham học hỏi và sẵn sàng thích ứng của các cơ quan báo chí Việt Nam trong môi trường truyền thông đang không ngừng thay đổi, ông Fazal Ashfaq, Trưởng phòng Hợp tác Tin tức Nam Á và Đông Nam Á của Google cho rằng: “Một trong những thành quả lớn nhất của Chương trình là mang đến cho tất cả chúng ta một không gian để cùng nhau học hỏi, chia sẻ những thành công, thất bại trên hành trình kinh doanh số của mình, cũng như tìm thấy giá trị trong quá trình đối thoại và hợp tác”.

“Thành công của Chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí năm 2022 sẽ là tiền đề cho sự hợp tác giữa Google và Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong tương lai nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí Việt Nam chuyển đổi số thành công và phát triển bền vững”, ông Fazal Ashfaq nói.

Theo các chuyên gia cũng như diễn giả, chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu của báo chí Việt Nam, là đề tài nóng hiện nay, song cũng là một chặng đường dài và khó khăn. Để có thể gặt hái thành công, các tòa soạn cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số với trọng tâm là lấy độc giả làm trung tâm và xây dựng văn hóa sử dụng dữ liệu làm nền tảng cho hoạt động và vận hành của tòa soạn.

Độc giả chính là khách hàng của báo chí và có độc giả sẽ có doanh thu (từ thu phí người đọc và từ quảng cáo). Hệ thống dữ liệu tốt giúp các tòa soạn thấu hiểu hành vi, nhu cầu của độc giả và tìm kiếm được giải pháp tăng cường tương tác với độc giả nhằm mở rộng hơn nữa tệp bạn đọc của mình và tăng lượng bạn đọc trung thành. Đây chính là nền tảng giúp các tờ báo đổi mới mô hình kinh doanh, tạo các nguồn thu mới hiệu quả và bền vững trong dài hạn, các chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Đỗ Thiện, Thư ký tòa soạn báo Pháp luật Tp.Hồ Chí Minh, diễn giả phiên thảo luận về phát triển độc giả nhìn nhận, chương trình rất cần thiết không chỉ đối với người làm báo mà cả những người nghiên cứu về sự chuyển động của báo chí Việt Nam trong bối cảnh internet, các nền tảng mạng xã hội, nền tảng điện tử phát triển. Báo chí Việt Nam đang phải đối mặt nhiều thách thức cả về phát triển nội dung, công nghệ và kinh tế báo chí…

Là một trong những nhà báo tham gia khóa tổng quan, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Tổng biên tập Báo Giao thông, nhận xét: "Chương trình có nhiều thông tin hữu ích và điều thú vị là ngoài tiếp thu ý kiến của các giảng viên, các nhà báo tham gia chương trình còn chia sẻ với đồng nghiệp về những vướng mắc trong câu chuyện chuyển đổi số".

Tương tự, bà Trần Thị Hồng Vân, Thư ký tòa soạn Báo Sài Gòn Giải phóng cho rằng: "Phần trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của các đồng nghiệp từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau hết sức hữu ích và thú vị. Đại diện Báo Sài Gòn Giải phóng cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai "có nhiều chương trình đào tạo như vậy để hỗ trợ báo chí chuyển đổi số thành công".