Trụ lớn cản bước VN-Index tại đỉnh 1.200, cổ phiếu vẫn tăng giá áp đảo
Bất chấp độ rộng duy trì áp đảo ở phía tăng trong hầu hết thời gian giao dịch, VN-Index vẫn không tài nào chạm tới được “đỉnh vinh quang” 1.200 điểm, Mức cao nhất chỉ số với tới là 1.193,22 điểm ngay ít phút sau khi mở cửa. Nguyên nhân là sự thiếu đồng thuận ở nhóm vốn hóa lớn nhất. Bù lại, nhà đầu tư được chứng kiến cổ phiếu tăng giá ào ạt...
Bất chấp độ rộng duy trì áp đảo ở phía tăng trong hầu hết thời gian giao dịch, VN-Index vẫn không tài nào chạm tới được “đỉnh vinh quang” 1.200 điểm, Mức cao nhất chỉ số với tới là 1.193,22 điểm ngay ít phút sau khi mở cửa. Nguyên nhân là sự thiếu đồng thuận ở nhóm vốn hóa lớn nhất. Bù lại, nhà đầu tư được chứng kiến cổ phiếu tăng giá ào ạt.
Sự suy yếu của nhóm dẫn dắt hôm nay thậm chí còn suýt đem lại thất vọng. Trừ vài phút đầu tiên tăng khá, hơn 2/3 thời gian của phiên hôm nay VN-Index trượt dốc. Lúc 1h40, chỉ số thậm chí còn bị đánh tụt xuống dưới tham chiếu hơn 2 điểm. Đây là cũng thời điểm duy nhất của phiên độ rộng thể hiện sự giăng co với 211 mã tăng/241 mã giảm.
Mặc dù VN-Index tăng rất yếu và không rõ ràng, nhưng độ rộng ở cổ phiếu vẫn xác nhận hôm nay là phiên giao dịch tích cực. HoSE đóng cửa với 301 mã tăng/154 mã giảm, tỷ lệ tốt nhất phiên, cho thấy mặt bằng giá đã tốt nhất về cuối. Nhóm trụ chịu trách nhiệm cho sự yếu ớt ở chỉ số là GAS sụt giảm 0,91%, VCB giảm 0,38%, HPG giảm 0,53%, VIC giảm 0,19%. Các mã quan trọng khác như CTG, VHM, BID, VNM, TCB tăng quá yếu.
Chỉ số phụ thuộc chủ đạo vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình trong rổ VN30. NVL tăng kịch trần cũng lọt vào nhóm kéo điểm tốt nhất. MWG tăng 3,81%, VPB tăng 2,1%, MSN tăng 1,2% là các mã khác khá mạnh. VN30-Index chốt ngày tăng 0,55% với 16 mã tăng/12 mã giảm, độ rộng thể hiện sự phân hóa về giá, hơn là sự áp đảo như phần còn lại của thị trường.
Với 301 mã tăng giá phiên này, trong đó 133 mã tăng trên 1%, cơ hội để nhà đầu tư sinh lời là rất tốt. Thanh khoản của nhóm tăng trên 1% chiếm tới 48% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Rõ ràng là dòng tiền vẫn hoạt động tích cực và thúc đẩy giá cổ phiếu hiệu quả. NVL tăng giá kịch trần và lập kỷ lục về thanh khoản năm 2023 với 95,9 triệu cổ được sang tay, tương đương lượng tiền 1.532,5 tỷ đồng. Cổ phiếu này tăng bình bình đầu phiên, mở cửa chỉ trên tham chiếu 1,6% nhưng đến khoảng 10h đã chạm tới giá trần. Sau vài đợt xả trong thời gian còn lại, NVL được chốt chặn giá trần với dư mua lớn.
Loạt cổ phiếu thanh khoản cực tốt và giá tăng cao khác có thể kể tới VPB tăng 2,1% với 519,2 tỷ đồng; VND tăng 1,33% với 516,9 tỷ; GEX tăng 3,04% với 505,1 tỷ; DXG tăng 2,74% với 374,8 tỷ; PDR tăng 2,64% với 327,2 tỷ đồng… Nhóm MSB, LCG, VCG, VIX, BCG, HHV, MSN, MWG cũng đều tăng trên 1% với thanh khoản quá 200 tỷ đồng.
Dĩ nhiên trong số thanh khoản cao cũng có không ít mã giảm giá hoặc tăng quá yếu do bị khối lượng bán lớn kiềm chế. STB, HPG, SSI, DGC, CTD, KBC, DBC là các mã thanh khoản trên 200 tỷ đồng và giá đóng cửa mức đỏ. DIG, CII, HSG, NLG, MBB, VCI, LPB, FRT, NKG… là các mã khác giao dịch sôi động cả trăm tỷ đồng nhưng giá tăng không đáng kể hoặc giảm. Rõ rang là cổ phiếu đang phân hóa sức mạnh, bất kể là cùng một nhóm ngành.
Tổng thanh khoản hai sàn niêm yết hôm nay khá cao với hơn 20,7 ngàn tỷ đồng chưa kể thỏa thuận, trong đó phiên chiều lại khá đuối, chỉ đạt 9,77 ngàn tỷ, thấp hơn buổi sáng khoảng 11%. Cũng phải lưu ý rằng phiên chiều mới có nhịp phục hồi. Như vậy lực bán đã có tín hiệu suy yếu.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay quay đầu bán ròng 330,2 tỷ đồng trên HoSE và 27,6 tỷ đồng ở UpCOM trong khi mua ròng 24,2 tỷ đồng tại HNX. Khối này xả lớn nhất là MBS với 144 tỷ đồng. SSI, NLG, VCB, POW bị bán ròng từ 30-40 tỷ đồng. Phía mua chỉ có VIB, KDH, VHM, VNM là trên 20 tỷ ròng. Hôm nay là phiên bán ròng đầu tiên sau tuần mua ròng khá ấn tượng vừa qua với gần 1.253 tỷ đồng chỉ riêng cổ phiếu sàn HoSE.
Việc VN-Index quay đầu phục hồi cuối phiên cho thấy cơ hội chạm tới mốc 1.200 điểm vẫn còn. Chênh lệch khoảng 10 điểm không có gì nhiều, nếu như các trụ đồng loạt lên tiếng.