Trụ sập mạnh, VN-Index suýt mất điểm
Mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay không yếu hơn phiên sáng bao nhiêu, nhưng các chỉ số đi rất kém. Điều đó chứng tỏ thị trường gặp “trục trặc” ở cổ phiếu trụ. VN-Index kết phiên thậm chí mất gần hết điểm tăng do GAS, SAB, VCB cùng loạt blue-chips khác bị đánh sập giá...
Mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay không yếu hơn phiên sáng bao nhiêu, nhưng các chỉ số đi rất kém. Điều đó chứng tỏ thị trường gặp “trục trặc” ở cổ phiếu trụ. VN-Index kết phiên thậm chí mất gần hết điểm tăng do GAS, SAB, VCB cùng loạt blue-chips khác bị đánh sập giá.
Từ mức tăng gần 3 điểm lúc kết đợt khớp lệnh liên tục, phiên ATC chỉ số VN-Index chỉ còn tăng 0,33 điểm. Độ rộng của chỉ số vẫn rất tốt với 256 mã tăng/182 mã giảm, thậm chí còn mạnh hơn phiên sáng.
Ảnh hưởng này là do một số cổ phiếu vốn hóa lớn bị đẩy giá giảm sâu hơn. GAS bị ép mạnh xuống 118.000 đồng, giảm 2,24%, xác lập phiên điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu tháng 2/2022. SAB bị ép giảm tới 4,25%, mức giảm mạnh nhất 12 tháng. VCB từ tham chiếu bị đánh xuống -0,7%. Ngoài ra VJC, PLX cũng bị ép xuống mạnh giảm trên 2%...
Nhóm VN30 chốt phiên duy trì độ rộng cân bằng 14 mã tăng/14 mã giảm và chỉ số cũng chỉ tăng 0,19%. VN30-Index cũng bị hạ độ cao khoảng 1 điểm ở đợt ATC, một diễn biến may mắn vì GAS và SAB là các mã nhỏ trong chỉ số này.
Mặc dù điểm tăng không đáng kể ở các chỉ số, nhưng thị trường hôm nay vẫn rất tích cực với hơn một nửa (56%) số mã tăng giá cuối ngày đạt mức tăng trên 1%. Với tỷ trọng cao như vậy thì khả năng nhà đầu tư có lời tốt là cao. 15 cổ phiếu tăng kịch trần có nhiều mã thanh khoản tốt như HAG, VNE, HAR, TCO, SJF, TGG, DPG.
Hiện tượng phân hóa diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, bất kể là những mã đang hút khách như hàng hóa cơ bản hay chứng khoán, ngân hàng. Dầu khí chỉ còn tăng ở các cổ phiếu nhỏ, thanh khoản ít như PVO, PCN, PTV, PVY, trong khi các trụ lớn như GAS giảm 2,24%, PLX giảm 2,71% hay các mã nổi bất trước đó như PVS, PVC, PVD... thậm chí giảm trên 2%. Cổ phiếu chứng khoán cũng suy yếu nhiều so với phiên sáng: SSI chỉ còn tăng 2,42%, HCM tăng 1,33%, VND tăng 0,26%, VCI tăng 0,95%...
Thị trường yếu đi chủ đạo là với các blue-chips, một phần do dòng tiền vào rất hạn chế. VPB siêu thanh khoản phiên sáng, buổi chiều khớp chỉ 349 tỷ đồng, tức là bằng 24% buổi sáng. HPG cũng chỉ giao dịch bằng khoảng 43%. Tổng rổ VN30 phiên chiều chỉ khớp 3.387 tỷ đồng, bằng một nửa phiên sáng. Dòng tiền yếu rất khó để cổ phiếu duy trì được động lực tăng giá, thậm chí có nguy cơ tụt giá.
Dù vậy tổng thể hôm nay vẫn là một phiên thanh khoản rất khả quan nhờ giao dịch lớn buổi sáng. Giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết chỉ giảm nhẹ 4% so với hôm qua, đạt 31.391 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 3 liên tục mức khớp lệnh đạt trên ngưỡng 30 ngàn tỷ đồng. Tính theo trung bình tuần, mỗi phiên thanh khoản xấp xỉ 30,1 ngàn tỷ đồng, mức cao nhất trong 6 tuần trở lại đây.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng lớn VPB buổi sáng và dừng mua buổi chiều. Thực tế khối này đã tăng bán ròng phiên chiều đáng kể, với giá trị rút ròng khoảng 215 tỷ đồng, khiến vị thế ròng cả phiên tại HoSE chỉ còn +469,2 tỷ đồng. HPG bị bán ròng tăng vọt lên 251,5 tỷ, NLG khoảng 100 tỷ, VNM hơn 70 tỷ, VRE 61,5 tỷ, VHM 47 tỷ, NVL 42 tỷ đồng...
Dù được VPB cân bằng đáng kể và duy trì mức mua ròng hôm nay, khối ngoại vẫn có một tuần bán ròng tới trên 1.000 tỷ đồng với cổ phiếu sàn HoSE. Như vậy sau 2 tuần mua ròng, dòng vốn ngoại bất ngờ quay về trạng thái bán như cũ. Thực tế khối này trong vài thời điểm xuất hiện mua ròng là do một số giao dịch thỏa thuận mang tính cá biệt, còn những giao dịch thông thường vẫn chủ đạo là bán ròng qua khớp lệnh.