14:08 23/05/2022

Trung Quốc: Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ sẽ thất bại

Bình Minh

Tuyên bố này được đưa ra trong lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du châu Á để tập hợp lực lượng cho việc đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc...

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: Xinhua/Bloomberg.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: Xinhua/Bloomberg.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ “sẽ thất bại”. Tuyên bố này được đưa ra trong lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du châu Á để tập hợp lực lượng cho việc đối trọng với sự nổi lên của Trung Quốc.

“Thực tế sẽ chứng minh rằng cái gọi là ‘chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương’ về bản chất là một chiến lược gây chia rẽ, một chiến lược kích động đối đầu, và một chiến lược phá vỡ hoà bình”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị sau cuộc gặp giữa ông với người đồng cấp Pakistan Bilawal Bhutto ở Quảng Châu vào ngày 22/5.

Trong chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, ông Biden đã có cuộc gặp với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Tiếp đến, ông gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Tokyo vào ngày 23/5, và tiếp theo là dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm “Bộ tứ” an ninh (Quad) với lãnh đạo của các nước Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng tại Tokyo vào ngày 24/5.

Các thành viên trong Quad hiện nay có các ưu tiên an ninh khác nhau, dẫn tới việc khó tìm ra được một hướng đi chung. Ấn Độ vẫn rất thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc, khiến giới quan sát đặt câu hỏi liệu Hàn Quốc có được lựa chọn để thế chỗ Ấn Độ. Tuy nhiên, nguồn tin là quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng phía Hàn Quốc đã thể hiện mối quan tâm muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Quad nhưng nhóm chưa có ý định cho Seoul gia nhập.

Ngoài ra, một hoạt động quan trọng trong chuyến thăm châu Á lần này của ông Biden là tuyên bố sáng kiến Khuôn khổ Thịnh vượng kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF). Đây là một cam kết kinh tế giữa Mỹ với các đối tác và được xem như sự thay thế cho việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay đã đổi tên thành nay là CPTPP). IPEF được đánh giá giữ một vị trí chủ chốt trong nỗ lực đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.

Tuần trước, một nhóm gồm hơn 50 nghị sỹ Mỹ đã gửi thư lên ông Biden kêu gọi đưa Đài Loan trở thành một đối tác của IPEF. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã gặp ông John Deng, một Bộ trưởng của chính quyền Đài Loan, tại Bangkok vào tuần trước để thảo luận về các cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế. Phía Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ đang đi “sai đường” khi ủng hộ Đài Loan.

Một tuyên bố vào ngày 22/5 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói chiến lược của Mỹ “mang danh nghĩa ‘tự do và cởi mở’” nhưng thực chất là tạo bè phái và những “nhóm nhỏ” để kiềm chế Trung Quốc.