17:04 14/12/2022

Trung Quốc ra sao sau một tuần nới lỏng Zero Covid?

Trang Linh

Những thay đổi lớn trong chính sách chống dịch Zero Covid đang tác động không nhỏ tới doanh nghiệp ở Trung Quốc...

Người xếp hàng tại một hiệu thuốc ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Người xếp hàng tại một hiệu thuốc ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Một tuần sau khi Trung Quốc mạnh tay điều chỉnh chính sách chống dịch Zero Covid, số ca nhiễm tại các thành phố lớn của nước này có vẻ tăng lên, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu lao động trầm trọng - theo Nikkei Asia.

Ngày 13/12, Trung Quốc đã gỡ bỏ “thẻ hành trình di động” - ứng dụng theo dõi trên điện thoại thông minh được đưa ra từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát vào năm 2020 và trở thành một biểu tượng của chiến lược Zero Covid.

Đây là động thái nới lỏng hạn chế phòng chống dịch mới nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Trước đó, ngày 7/12, Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố một kế hoạch gồm 10 điểm nới lỏng một loạt hạn chế phòng dịch theo chính sách Zero Covid hà khắc mà nước này đã áp dụng suốt 3 năm qua. Theo đó, việc xét nghiệm PCR hàng hoạt tại các điểm nóng dịch bệnh đã chấm dứt. Biện pháp phong tỏa các khu dân cư và các ly cũng được giảm thiểu, dù người nhập cảnh từ nước ngoài vẫn phải tự cách ly.

“Tôi có kết quả xét nghiệm dương tính hôm qua (13/12) nhưng vẫn đi ra ngoài được”, một người khoảng 30 tuổi ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, chia sẻ.

Những ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch do các thành phố tự phát triển cũng đang được sử dụng ít đi. Thành phố Thượng Hải ngày 13/12 thông báo bỏ yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính khi vào các trung tâm thương mại và địa điểm công cộng.

Tuy nhiên, số ca nhiễm tại các thành phố lớn dường như tăng lên. Các cơ quan y tế cộng đồng tại Bắc Kinh cho biết đã ghi nhận khoảng 22.000 trường hợp tới khám sốt trong ngày 12/12, tăng gấp 16 lần so với một tuần trước đó. Nhiều bệnh viện ghi nhận tình trạng dòng người xếp hàng chờ khám bệnh.

"Đã xuất hiện một xu hướng tiềm ẩn có thể dẫn tới số ca nhiễm tăng mạnh ở Bắc Kinh”, một đại diện của thành phố này cho biết tại một cuộc họp báo.

Tuy nhiên, trong ngày 12/12, toàn Trung Quốc chỉ ghi nhận 7.500 ca nhiễm mới, giảm đáng kể so với mức đỉnh hơn 40.000 ca hôm 27/11. Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Nomura, cho rằng dữ liệu này không chính xác bởi số lượng xét nghiệm PCR đã giảm đáng kể.

“Các biến thể phụ của Omicron đang lưu hành ở Trung Quốc có khả năng lây nhiễm rất cao. Rất khó để cắt hoàn toàn chuỗi lây nhiễm kể cả khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mạnh hơn”, chuyên gia về Covid-19 hàng đầu Trung Quốc, ông Zhong Nanshan, nói với hãng thông tấn Tân Hoa Xã cuối tuần trước.

Tờ báo Yicai hôm 11/12 dẫn lời Zhong Ming - bác sĩ cao cấp tại Bệnh viện Trung Sơn ở Thượng Hải - dự báo số ca nhiễm Covid tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vòng một tháng tới.

Những thay đổi lớn trong chính sách chống dịch cũng đang tác động tới các doanh nghiệp Trung Quốc. Một giám đốc tại một công ty Nhật lớn đang hoạt động ở Bắc Kinh cho biết do nhiều nhân viên có thể đã nhiễm Covid-19 và nhiều người muốn tránh nguy cơ lây nhiễm, “chỉ có khoảng 20% nhân viên công ty đến văn phòng”.

Một công ty nước ngoài khác ban đầu yêu cầu nhân viên trở lại làm việc trực tiếp khi các biện pháp hạn chế phòng dịch được nới lỏng hôm 7/12. Tuy nhiên, do tình trạng lây nhiễm tăng lên trong cộng đồng, công ty đã phải cho phép nhân viên làm việc từ xa trở lại.

Các dịch vụ giao đồ ăn và hàng tạp hóa ở Bắc Kinh cũng đang bị ảnh hưởng do thiếu lao động khi ngày càng nhiều tài xế giao hàng bị nhiễm Covid.

"Chúng tôi đang ghi nhận ngày càng nhiều nhân viên bị nhiễm virus”, đại diện một công ty Nhật đang có một nhà máy linh kiện điện tử ở Quảng Châu cho biết. “Chúng tôi đã cố gắng để không phải đóng cửa, nhưng không biết tình hình sắp tới sẽ ra sao”.

Tại Trùng Khánh, trung tâm của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, một số nhà sản xuất đang khẩn trương phân phát bộ xét nghiệm nhanh cho nhân viên và chỉ cho phép những người có xét nghiệm âm tính làm việc. Ngày càng nhiều công nhân tại đây buộc phải ở nhà khi có xét nghiệm dương tính, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Ông Zhong cho rằng điều quan trọng lúc này là Trung Quốc phải tăng cường tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường, đặc biệt là với nhóm người cao tuổi. Tỷ lệ tiêm vaccine ở người cao tuổi tại Trung Quốc hiện thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản. Theo số liệu chính thức, tính tới cuối tháng 11, chỉ khoảng 86% người trên 60 tuổi và 66% người trên 80 tuổi tại Trung Quốc được tiêm 2 mũi vaccine.