09:58 23/08/2013

Trung Quốc trở thành hy vọng mới cho giá dầu

Thanh Hải

Chỉ số sản xuất của Trung Quốc đã trở lại mức 50,1 điểm, cao nhất 4 tháng

Báo cáo của HSBC, theo giới phân tích, đã làm giảm bớt những lo lắng của
 thị trường về sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu
 mỏ lớn thứ hai thế giới.
Báo cáo của HSBC, theo giới phân tích, đã làm giảm bớt những lo lắng của thị trường về sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới.
Phiên giao dịch hàng hóa quốc tế đêm qua (22/8), giá dầu thô giao sau trên sàn hàng hóa New York đã tăng mạnh trở lại, sau khi Trung Quốc công bố số liệu sản xuất của nước này cao hơn so với kỳ vọng.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 22/8, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 trên sàn hàng hóa New York đã tăng được 1,18 USD, tương ứng với mức 1,1%, lên 105,03 USD mỗi thùng. Phiên giao dịch liền trước, giá dầu thô kỳ hạn loại này đã giảm tới 1,2%, xuống dưới 104 USD. Như vậy, giao dịch dầu thô ngày 22/8 đã lấy lại được những gì đã mất ở phiên trước.

Nguyên nhân chính khiến giá dầu thô New York tăng mạnh trở lại, là do ngân hàng HSBC công bố số liệu sản xuất sơ bộ trong tháng 8 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo đó, chỉ số sản xuất của Trung Quốc đã trở lại mức 50,1 điểm, cao nhất 4 tháng, vượt xa mức ước tính 48 điểm của giới phân tích. Hồi tháng 7, chỉ số này đứng ở 47,7 điểm, mức thấp nhất 11 tháng.

Báo cáo của HSBC, theo giới phân tích, đã làm giảm bớt những lo lắng của thị trường về sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Theo báo cáo riêng rẽ của một hãng tư vấn, thị trường Trung Quốc đang phát triển mạnh theo hướng sẽ vượt qua Mỹ, trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới trong vòng 4 năm tới đây.

Việc chỉ số PMI của Trung Quốc hồi phục mạnh trở lại, cũng góp phần xoa dịu những quan ngại của nhà đầu tư về bước đi sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên quan tới việc rút bỏ các biện pháp nới lỏng định lượng. Hôm 21/8, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã công bố biên bản cuộc họp chính sách hồi tháng 7. Nội dung biên bản này ít nhiều gây bão trên thị trường.

Cũng trong ngày hôm qua, tổ chức Platts công bố báo cáo cho biết, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, lên mức trung bình 9,82 triệu thùng mỗi ngày. Báo cáo từ Platts cùng với nhận định chỉ số PMI sơ bộ của HSBC đã cộng hưởng, khiến nhà đầu tư năng lượng thêm an tâm về triển vọng tiêu thụ dầu thô toàn cầu.

Một yếu tố khác cũng góp phần làm giá dầu tăng mạnh trở lại trong ngày 22/8, là việc hoạt động kinh doanh của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng mạnh trở lại trong tháng 8. Số liệu của Markit cho thấy, chỉ số quản lý sức mua sơ bộ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 8 đã tăng lên 51,7 điểm, cao nhất 26 tháng, từ mức 50,5 điểm hồi tháng 7.

Tại Mỹ, chỉ số quản lý sản xuất sơ bộ tăng nhẹ lên 53,9 điểm trong tháng 8, nhưng cũng là cao nhất trong 5 tháng qua. Tuy nhiên, cũng tại Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng thời gian một tháng. Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh trở lại so với các đồng tiền chủ chốt khác, cũng là một lực cản.

Diễn biến cùng chiều với giá dầu thô giao sau tại sàn hàng hóa New York, giá dầu thô Brent Biển Bắc ở sàn London cũng tăng, nhưng rất nhẹ. Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc chốt phiên 22/8 ở mức 109,90 USD/ thùng, tăng vỏn vẹn có 9 cent, tương ứng với 0,1%. Hiện khoảng chênh lệch giá giữa dầu thô New York và dầu thô Brent Biển Bắc lại giảm còn hơn 4 USD.

Cũng trên sàn giao dịch hàng hóa New York, kết thúc phiên 22/8, giá xăng giao tháng 9 tăng gần 3 cent, tương ứng với mức tăng 0,9%, lên 2,965 USD mỗi gallon. Giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn giảm nhẹ xuống còn 3,07 USD mỗi gallon. Trong khi, giá khí tự nhiên tăng mạnh, với 8,5 cent, tương ứng với mức tăng 2,5%, lên chốt ngày ở vùng giá 3,545 USD/ triệu BTU.