Trước khi bị đình chỉ hoạt động, Công ty chứng khoán HVS kinh doanh thế nào?
Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận doanh thu hoạt động của HVS giảm một nửa còn 201 triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí công ty báo lỗ 265 triệu đồng. Lỗ lũy kế đến thời điểm cuối tháng 6 là 39,3 tỷ đồng.
Ngày 13/9/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 990/QĐ-UBCK về việc đình chỉ toàn bộ hoạt động của Công ty cổ phần Chứng khoán HVS Việt Nam do không duy trì điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 94 Luật Chứng Khoán.
Trước đó, kiểm toán đã hoài nghi về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính soát xét giữa niên độ tháng 6/2024, kiểm toán nhấn mạnh tại ngày phát hành báo cáo này, công ty đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán đề nghị tăng vốn theo Phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và Phương án phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài được thông qua theo các nghị quyết hội đồng quản trị của công ty để tăng vốn điều lệ từ 50,2 tỷ lên 300,2 tỷ đồng.
Theo đó, tổng khối lượng vốn huy động dự kiến là 250 tỷ đồng, thời điểm phát hành cụ thể được HĐQT quyết định sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn đang xem xét chấp thuận về thay đổi trụ sở chính và tăng vốn điều lệ, điều này dẫn đến hoài nghi về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty. Tuy nhiên, đến ngày lập báo cáo tài chính này, không có lý do gì để Hội đồng quản trị và Ban tổng giám đốc công ty tin rằng không được Ủy ban chấp thuận tiếp tục hoạt động. Do đó, báo cáo tài chính đã được lập theo giả định công ty tiếp tục hoạt động.
Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận doanh thu hoạt động của HVS giảm một nửa còn 201 triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí công ty báo lỗ 265 triệu đồng. Lỗ lũy kế đến thời điểm cuối tháng 6 là 39,3 tỷ đồng.
So với mục tiêu đề ra, HVS kinh doanh bết bát. Năm 2024, HVS đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 20 tỷ đồng, lãi trước thuế 10 tỷ đồng.
Công ty cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh và thay đổi trụ sở chính. Cụ thể, ĐHĐCĐ của Công ty đã thông qua kế hoạch phát hành tối đa hơn 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn thêm 300,2 tỷ đồng. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
60% số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh. 30% dùng để bổ sung cho hoạt động cho vay margin và ứng trước tiền bán. Phần còn lại bổ sung cho các hoạt động khác như đầu tư phần mềm giao dịch chứng khoán; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng; đăng ký thành viên lưu ký, giao dịch… Song hành với việc tăng vốn, Công ty sẽ bổ sung nghiệp vụ môi giới chứng khoán, lưu ký chứng khoán và tự doanh chứng khoán.
Chứng khoán HVS Việt Nam được thành lập ngày 15/12/2008; người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Giang (sinh năm 1991). Trong đó, tại thời điểm 31/6/2024, Chứng khoán HVS Việt Nam chỉ sở hữu tổng tài sản 10,9 tỷ đồng, chủ yếu tiền mặt là 10,7 tỷ đồng.
Hồi tháng 5 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 582 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần chứng khoán HVS Việt Nam (Địa chỉ trụ sở chính: Số 31, đường số 9, khu dân cư Nam Long, tổ 7B, khu phố 1, phường Tân Thuận Đông, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo đó, Chứng khoán HVS bị phạt 125 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Thay đổi địa chỉ trụ sở chính khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.
Ngoài ra HVS còn bị phạt tiền 85 triệu đồng vì vi phạm hành chính: Không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật. Công ty cổ phần chứng khoán HVS Việt Nam không báo cáo phương án khắc phục được Hội đồng quản trị công ty thông qua về việc không đáp ứng việc duy trì điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán.