Trường hợp nào được hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2022 ?
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nếu có yêu cầu vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Mức hưởng được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội…
Theo quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp, gồm: Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (hoặc chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phương, thị trấn) và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài để định cư.
Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trong 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (giai đoạn 2014 - 2020), tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đạt trên 3,7 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750.000 người tham gia bảo hiểm xã hội rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo các chuyên gia, số người nhận bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng đang đặt ra thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bởi lẽ, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc giảm hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người lao động cũng như gia đình họ và xã hội.
Các chuyên gia cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến số người nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng là do quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu dài, dẫn đến giảm nỗ lực tiếp tục tham gia đóng góp của một bộ phận người lao động; điều kiện nhận bảo hiểm một lần khá dễ dàng, mức hưởng cao hơn so với mức đóng góp của người lao động…
Để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất cần có chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tham gia đóng góp để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn thiện dự thảo luật, chuyển Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2023.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhấn mạnh: "Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây cần được tiến hành đồng bộ, toàn diện và trọn gói”.
Hệ thống bảo hiểm xã hội cần được hoàn thiện theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”. Đồng thời, việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.