23:05 09/09/2021

Từ Chính phủ điện tử đến Chính phủ số: Vẫn còn rất xa mới chạm đích?

Nhĩ Anh

Phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số Việt Nam được xác định gắn liền với việc giải quyết các vấn đề lớn của xã hội để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 9/9, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử  năm 2021 đã được tổ chức trực tuyến với chủ đề: "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển chính phủ số giai đoạn 2021-2025 và giải pháp phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số". Hội thảo được tổ chức dưới sự bảo trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

MỤC TIÊU ĐƯA TOÀN BỘ DỊCH VỤ CÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN LÊN MỨC ĐỘ 4

Theo đánh giá, hệ thống Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sau hơn một năm triển khai, cổng dịch vụ công đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, hơn 57 triệu hồ sơ được xử lý, tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm.

Về dịch vụ công trực tuyến mức 4, đến cuối năm 2019, tỷ lệ này mới chỉ đạt 10,76% và năm 2020 là 31% và hiện nay, tỷ lệ này đạt khoảng 45%.

Báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2020, thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 2 bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 6 trong thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam chính thức ban hành một văn bản chiến lược ở tầm quốc gia với định hướng lớn về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

 
"Với tư duy và cách làm mới của chuyển đổi số là làm nhanh, làm trên nền tảng, thì đây là mục tiêu khả thi, nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương".
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Ông Dũng khẳng định, chiến lược này trở thành kim chỉ nam xuyên suốt tất cả các hành động trong thập kỷ tới- thập kỷ được Liên hợp quốc đánh giá là hành động theo mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số Việt Nam được xác định gắn liền với việc giải quyết các vấn đề lớn, các nỗi đau của xã hội để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nếu phải chọn việc quan trọng nhất, ý nghĩa nhất của chiến lược để triển khai trọn vẹn, dứt điểm trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn mục tiêu đưa toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện lên mức độ 4.

Hiện nay, tỉ lệ này trên toàn quốc mới đạt khoảng 45%. Từ con số hiện trạng đến mục tiêu đặt ra còn khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, “với tư duy và cách làm mới của chuyển đổi số là làm nhanh, làm trên nền tảng, thì đây là mục tiêu khả thi, nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương”.

Cũng với cách làm tương tự, trong năm 2020 đã đưa tỷ lệ cơ quan Nhà nước triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp từ con số 0 lên 100%. Cùng với đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã gấp 3 lần năm 2019, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra.

Theo ông Dũng, cần có giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến theo 2 tiêu chí.

Thứ nhất, đặt mục tiêu cho mỗi dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là cứ có 1 người dùng ngoại tuyến thì có tối thiểu 1 người dùng trực tuyến. 

Thứ hai là đối với các dịch vụ công trực tuyến đã lên mức độ 4 tối thiểu 1 năm, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến cần đạt tối thiểu 30% trong năm 2021.

"Có như vậy dịch vụ công trực tuyến mới thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ doanh nghiệp, người dân", ông Dũng nhấn mạnh.

LẤY NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM, PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP. Đây là hai văn bản pháp lý quan trọng tầm Chính phủ quy định hành lang pháp lý cho việc hình thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính từ Trung ương đến địa phương.

Trong đó, Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh đóng vai trò trung tâm, có sự kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ xác thực định danh và giải quyết thủ tục hành chính.

 
Đến nay 100% bộ, ngành, địa phương; 8 tập đoàn, tổng công ty, và 15 ngân hàng, trung gian thanh toán kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thông tin về những kết quả mà Cổng Dịch vụ công quốc gia mang lại từ tháng 12/2019 đến nay, ông Phan cho biết, đã có trên 1 triệu tài khoản đăng ký; hơn 3.100 dịch vụ công cung cấp trên cổng quốc gia. Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với các khoản phí, lệ phí, bảo hiểm, thuế, xử phạt vi phạm hành chính… với số tiền 258 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ đồng bộ trạng thái trên cổng dịch vụ công Quốc gia là 72 triệu. Theo ông Hải, đây là nguồn dữ liệu quan trọng để cho các bộ, ngành, địa phương giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.

Đến nay 100% bộ, ngành, địa phương; 8 tập đoàn, tổng công ty, và 15 ngân hàng, trung gian thanh toán kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Để thực hiện hoàn chỉnh hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan cho rằng, trước hết phải theo nguyên tắc: lấy người dùng là trung tâm; cải cách dẫn dắt và công nghệ là công cụ hỗ trợ. Có như vậy mới triển khai thành công chương trình chuyển đổi số dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hải, việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính cần tập trung vào phát triển các nền tảng dùng chung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia như cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính; nền tảng xác thực định danh; nền tảng thanh toán trực tuyến; danh mục dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị… Điều này sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, duy trì phát triển quản lý hệ thống, tránh trùng lắp; tăng cường việc kết nối, chia sẻ, liên thông.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều nước trên thế giới đang thúc đẩy chính phủ điện tử. Chương trình nghị sự về số hóa cần phải hướng đến việc cải thiện khả năng tiếp cận và lấy công dân làm trung tâm đối với các dịch vụ công...