Tỷ giá tăng, chứng khoán lao dốc
Thị trường sụt giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên đầu tuần, dù chứng khoán thế giới rất bình yên. Biến động tỷ giá trong những ngày nghỉ, đặc biệt là động thái tăng tỷ giá trung tâm và nới biên độ lên 5% đã khiến thị trường chứng khoán thận trọng đáng kể. Thanh khoản sụt giảm cực mạnh và VN-Index bốc hơi hơn 24 điểm tương đương -2,29%...
Thị trường sụt giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên đầu tuần, dù chứng khoán thế giới rất bình yên. Biến động tỷ giá trong những ngày nghỉ, đặc biệt là động thái tăng tỷ giá trung tâm và nới biên độ lên 5% đã khiến thị trường chứng khoán thận trọng đáng kể. Thanh khoản sụt giảm cực mạnh và VN-Index bốc hơi hơn 24 điểm tương đương -2,29%.
Việc Ngân hàng nhà nước liên tiếp hỗ trợ thanh khoản trong tuần trước đã phần nào xoa dịu lo lắng trên thị trường chứng khoán. Ba phiên phục hồi liên tiếp phát đi tín hiệu tích cực, nhưng những áp lực tỷ giá đang xói mòn thành quả này. Nếu tỷ giá tiếp tục tăng, yếu tố thanh khoản có thể sẽ lặp lại.
Thị trường cũng đang chịu áp lực nội tại khi nhà đầu tư có cơ hội để lướt sóng ngắn hạn với biên lợi nhuận khá lớn chỉ trong 3 phiên cuối tuần trước. Trong khi đó những tín hiệu mới về tỷ giá đang khiến dòng tiền thận trọng trong quyết định mua. Đó là nguyên nhân khiến cổ phiếu rớt giá biên độ lớn sáng nay, nhưng thanh khoản cũng rất thấp.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn giảm 27% so với phiên sáng thứ Sáu tuần trước, chỉ còn gần 4.133 tỷ đồng. HoSE giảm 26%, đạt 3.788 tỷ đồng. Trong khi đó VN-Index bốc hơi 2,29% giá trị, độ rộng cực hẹp với 72 mã tăng/376 mã giảm. Tuy mới có 4 mã giảm sàn ở HoSE, nhưng tới 135 mã đang giảm quá 2% giá trị, 55 mã khác giảm trong biên độ 1-2%, cho thấy mức điều chỉnh ở cổ phiếu là lớn.
Nhóm blue-chips lại là các mã chịu tác động mạnh nhất, chỉ số VN30-Index giảm 2,66%, trong khi Midcap giảm 1,72%, Smallcap giảm 0,98%. VCB giảm 3,08%, VHM giảm 4,24%, VIC giảm 3,35%, BID giảm 2,88%, TCB giảm 4,67%, GAS giảm 1,82%... là những trụ yếu nhất và khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất.
Cả rổ VN30 không có mã nào tăng giá, với 12 mã giảm từ 3% trở lên, 9 mã giảm trong khoảng 2%. Cổ phiếu ngân hàng cũng giảm la liệt khi chỉ còn 3/27 mã nhóm này tăng là PGB, NAB và SHB. Tuy vậy cổ phiếu ngân hàng nhiều mã tăng tốt trong tuần trước nên có thể sức ép chốt lời ngắn hạn cũng cộng hưởng. Đối với VIC, VHM, khả năng nâng đỡ hạn chế trong khi áp lực giảm lại quá lớn.
Trong 72 cổ phiếu đi ngược dòng sàn HoSE, 7 mã kịch trần đều có thanh khoản không đảm bảo. Rất ít cổ phiếu đạt thanh khoản tốt và giá mạnh, có thể kể tới là BAF tăng 3,8% thanh khoản 30,5 tỷ; PET tăng 3,32% thanh khoản 28,4 tỷ; IJC tăng 1,06% thanh khoản 19,9 tỷ; VIX tăng 1,01% thanh khoản 59,5 tỷ.
Với thanh khoản rất nhỏ, thị trường cũng chưa kiểm chứng thực sự áp lực bán lớn đến mức nào. Tuy vậy điều có thể chắc chắn là dòng tiền đang co lại phòng thủ, khiến lực đỡ rất mỏng quanh tham chiếu. Có thể lượng cầu đang chờ giá tương đối sâu. Áp lực bán có thể tăng lên trong phiên chiều và thị trường có điều kiện để kiểm chứng lực cầu này.
Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá nhỏ sáng nay, khi mua vào trên HoSE đạt 347,4 tỷ đồng, bán ra 295,4 tỷ, tương ứng mua ròng 52 tỷ. VHM bị bán lớn nhất cũng chỉ -23,1 tỷ đồng ròng, VND -15,7 tỷ. Phía mua có DGC, HPG trên 20 tỷ ròng, SSI, VNM, SHB, DCM, CTG được mua ròng quanh 10 tỷ đồng.