Ứng dụng Clubhouse có gì mà “VIP” đến thế?
Clubhouse đã kỷ niệm một năm thành lập với thành tích ấn tượng là 13 triệu lượt tải xuống chỉ tính riêng trên Apple App Store. Mạng xã hội âm thanh này đã tạo ra một làn sóng trong thời gian vừa qua và trở thành một chủ đề bàn luận nóng hổi…
Theo eMarketer, 2% người trưởng thành ở Mỹ hiện đang sử dụng Clubhouse dưới một số hình thức khác nhau hoặc chỉ đơn giản là để chứng tỏ mình “thời thượng”, vì vậy, dù vẫn đứng sau các ứng dụng mạng xã hội lớn khác, nhưng Clubhouse vẫn cho thấy một mức tăng trưởng đáng kể trong khoảng thời gian vô cùng ngắn vừa qua.
Được thành lập vào đầu tháng 3/2020, trong thời điểm căng thẳng của đại dịch, ứng dụng Clubhouse có phong cách biệt lập và tính chất “VIP”. Người dùng có thể tạo các nhóm hội thảo riêng, và mời những người dùng khác vào “Phòng” của mình. Có những người kiểm duyệt và người nghe, và mọi người có thể yêu cầu bình luận. Bạn vẫn có thể chia sẻ cảm xúc, cập nhật hoạt động cá nhân, nhưng không thông qua các đoạn trạng thái hay hình ảnh, mà thông qua… âm thanh.
Để có thể sử dụng Clubhouse, người mới phải nhận được thư mời từ một người đã có tài khoản. Tất nhiên, việc tải Clubhouse mà không cần đến lời mời vẫn khả thi, nhưng khi đăng ký bạn sẽ được liệt kê vào danh sách chờ, và sẽ không có thời gian cố định cho việc bạn phải chờ bao lâu. Ứng dụng này được mô phỏng theo văn hoá tiệc tùng tại các Club House ở Tây phương - nếu tên bạn không có trong danh sách, xin lỗi nhưng bạn không được vào.
Trên eBay, thậm chí còn có nhiều người rao bán lượt giới thiệu để gia nhập Clubhouse với giá vài chục lên đến vài trăm USD. Tuy nhiên, “tính độc quyền” lại là điều hấp dẫn nhất, khi mà hiện tại Clubhouse chỉ mới xuất hiện trên iOS. Clubhouse chỉ cấp cho mỗi tài khoản 2 lượt giới thiệu, kéo theo thị trường chợ đen cho các lượt giới thiệu này cũng nhanh chóng tăng vọt. Giá cả đa số dưới 20 USD, tuy nhiên vẫn có những người bán với giá trên trời.
Với vô số người dùng từ nhiều phân khúc, ứng dụng này là một phát minh hoàn hảo để đập tan định kiến ”khó chen chân vào” của giới phê bình thời trang. Clubhouse cho phép các "nhà phê bình" nói lên quan điểm riêng biệt, và chưa từng được nghe thấy trong ngành thời trang. Mở rộng các đề tài liên quan đến thời trang, từ những đề tài lớn như sự mất cân bằng của ngành thời trang, chính trực của việc sáng tạo, tới những điều gần gũi hơn như bộ sưu tập của Dior và Chanel.
Điều làm lên sự thành công của Clubhouse cho giới thời trang là nhờ vào việc liên kết được những người kỳ cựu trong ngành tới những học sinh và những người yêu mến thời trang. “Chúng tôi có những người kỳ cựu trong ngành và thậm chí cả học sinh trung học tham gia vào cuộc trò chuyện. Thật tuyệt vời khi có thể trò chuyện giữa hai nhóm người như vậy, bởi vì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác,” giám đốc của High Fashion Talk, Iolo Edwards cho biết.
Hai nhà sáng lập Clubhouse lần đầu gặp nhau từ năm 2011. Năm 2019, họ cùng nhau xây dựng Talkshow, nền tảng tiền thân của Clubhouse. Tuy nhiên, phải đến tháng 3/2020, ứng dụng Clubhouse mới chính thức ra đời. Tương tự TikTok hay những ứng dụng mạng xã hội khác, Clubhouse dần được nhiều người chú ý trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành.
Ứng dụng nhanh chóng có sự tham gia của các nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon như Marc Andreessen và đối tác kinh doanh Ben Horowitz. Ít lâu sau, nhiều nhân vật nổi tiếng như Oprah Winfrey, MC Hammer hay nhạc sĩ John Mayer cũng nhanh chóng tham gia Clubhouse. Thậm chí tỷ phú Elon Musk đã gửi lời mời tham gia ứng dụng tới Tổng thống Nga Vladimir V.Putin.
Tuy nhiên, nền tảng Clubhouse lại gặp rất nhiều vấn đề về thông tin sai lệch. Định dạng mở của ứng dụng khiến nó dễ gặp các vấn đề về kiểm tra thông tin thực tế, và loại bỏ thông tin sai. Vì có những người dùng thuộc các ngành nghề khác nhau — báo cáo viên, sinh viên, nhà thiết kế và những người tiếp cận với ngành thời trang. Các luồng thông tin sẽ thay đổi tùy vào quan điểm mỗi người.
Như các mạng lưới truyền thông xã hội khác, Clubhouse cũng đang đối mặt với những chỉ trích xoay quanh những nội dung có phần "chướng tai gai mắt" đang được phát sóng trên website. Vào tháng 9 năm ngoái, Clubhouse vướng vào một vụ lùm xùm khi một số diễn giả thể hiện thái độ "bài Do Thái". Startup này cần đầu tư nhiều hơn vào các tính năng nhằm tăng cường độ an toàn và niềm tin của người dùng, đồng thời thuê thêm người giám sát nội dung để hạn chế tình trạng bỏ lọt những nội dung không phù hợp.
Với việc cả Instagram và Twitter đều áp dụng các tính năng giống như Clubhouse, có vẻ như tác động của ứng dụng đã được củng cố trên các nền tảng truyền thông xã hội. Các thương hiệu cũng lấn sân sang lĩnh vực Clubhouse. Versace giới thiệu "Medusa Power Talks", một loạt cuộc thảo luận với các khách mời như Indya Moore, Irina Shayk, Precious Lee và Donatella Versace. Cho dù người dùng của câu lạc bộ thời trang không chính thức thích nội dung có thương hiệu hay mượt mà hơn, thì vẫn chưa thấy các cuộc thảo luận tự nhiên xuất hiện từ ứng dụng.
Ở cấp độ người dùng, một số người chú ý rằng kể từ khi cài đặt ứng dụng, thời gian họ bỏ ra cho ứng dụng này đã cao hơn đáng kể so với bất kỳ mạng xã hội nào khác - hơn cả TikTok, Twitter, hay Instagram. Đó là một dấu hiệu cho thấy sức lôi cuốn của một mạng xã hội âm thanh. Có lẽ một khi Clubhouse mở cửa cho công chúng, lượng người dùng của nó sẽ tăng lên đến hàng chục triệu người. Những gã khổng lồ mạng xã hội khác nên lo lắng đi là vừa!