08:04 30/05/2024

Uniqlo gặp khó ở Trung Quốc

Bình Minh

Tưởng chừng kinh tế Trung Quốc khó khăn sẽ là một cơ hội tốt cho thời trang bình dân Uniqlo, nhưng thực tế không phải vậy...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Sau hơn 3 thập kỷ ăn nên làm ra một phần nhờ thời kỳ vỡ bong bóng bất động sản và giảm phát ở Nhật Bản, hãng thời trang nhanh Uniqlo kỳ vọng có thể áp dụng chiến thuật làm giàu tương tự ở Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc.

Với mục tiêu vượt qua Inditex - công ty mẹ của thương hiệu Zara - và H&M để trở thành hãng bán lẻ thời trang đại chúng lớn nhất thế giới, Uniqlo đang dựa vào Trung Quốc như một trong những động lực tăng trưởng lớn nhất. Trong tài khoá kết thúc vào tháng 8/2023, Uniqlo đạt doanh thu 620,2 tỷ yên, tương đương 4 tỷ USD, tại thị trường Trung Quốc, trong tổng doanh thu 2,3 nghìn tỷ yên trên toàn cầu.

UNIQLO TỪNG RẤT THÀNH CÔNG Ở TRUNG QUỐC

Tuy nhiên, công ty mẹ của Uniqlo là Fast Retailing vào tháng trước tuyên bố sẽ giảm tốc độ mở rộng ở Trung Quốc, dự định chỉ mở thêm 55 cửa hiệu tại nước này trong tài khoá tới, từ con số 80 cửa hiệu mới trong tài khoá hiện tại. Thông tin này ngay lập tức khiến giá cổ phiếu Fast Retailing giảm mạnh do nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng của Uniqlo ở Trung Quốc.

Vấn đề quan trọng bây giờ là liệu các sản phẩm thời trang giá bình dân của Uniqlo có thể tiếp tục chinh phục được người tiêu dùng trung lưu đang có xu hướng thắt lưng buộc bụng của Trung Quốc hay không. Lực lượng khách hàng này có thể được xem là chỉ báo về triển vọng kinh doanh của các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng nước ngoài khác có hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ra đời vào đúng thời kỳ cao điểm của bong bóng tài sản ở Nhật Bản, Uniqlo mở cửa hiệu đầu tiên vào năm 1984, chỉ vài năm trước khi đất nước mặt trời mọc rơi vào một vòng xoáy giảm phát kéo dài. Giới phân tích đã nhận thấy Trung Quốc và cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này hiện nay - nguyên nhân dẫn tới một làn sóng doanh nghiệp địa ốc vỡ nợ và khiến tăng trưởng kinh tế sụt tốc - có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản trước kia.

Khi Uniqlo mở cửa hiệu đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2002, không ai dám chắc thương hiệu Nhật Bản này có phát triển được ở Trung Quốc hay không. Khi đó, một số nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đã cho rằng Uniqlo có thể gặp khó khăn trong một môi trường chủ nghĩa dân tộc tăng cao.

Tuy nhiên, Uniqlo đã không chỉ vượt qua được tình trạng căng thẳng địa chính trị khiến nhiều đối thủ cạnh tranh khác điêu đứng, mà các sản phẩm thời trang hữu ích của hãng còn nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng Trung Quốc. Hàng Uniqlo được ưa chuộng ở Trung Quốc ngay cả ở những thời điểm mà hàng hoá Nhật Bản bị tẩy chay trên diện rộng ở nước này, chẳng hạn khi diễn ra các cuộc biểu tình gần đây phản đối việc Nhật Bản xả nước thải có chứa chất phóng xạ từ Fukushima, nhà máy điện hạt nhân bị hư hỏng trong thảm hoạ động đất - sóng thần hồi năm 2011.

Uniqlo đã nhắm đến người tiêu dùng Trung Quốc bằng một chiến lược kết hợp giữa các sản phẩm cơ bản đáng tin cậy như áo khoác lông mềm, thời trang công sở và đồ lót thoải mái với các sản phẩm gây sốt. Trong đại dịch Covid-19, sản phẩm khẩu trang có thể giặt và dùng lại của Uniqlo rất được ưa chuộng và gần đây hơn, người tiêu dùng Gen Z “phát cuồng” với mẫu túi hình trái chuối của hãng.

Một khách hàng của Uniqlo ở Thượng Hải, thành phố mà hãng có 95 cửa hiệu, cho biết ông thường mua vào các đợt sale, khi mức giá 99 nhân dân tệ (14 USD) của một chiếc áo phông có thể giảm dần còn tới 39 nhân dân tệ trong một khoảng thời gian kéo dài vài tuần. Tuy nhiên, vị khách này nói thêm rằng sản phẩm của Uniqlo “có giá rẻ ngay cả khi chưa sale”, và ước tính một chiếc áo phông giá 99 nhân dân tệ của Uniqlo có chất lượng tương đương một chiếc áo có chất lượng tương tự giá 200 nhân dân tệ bán trên trang thương mại điện tử Taobao.

BÁN HÀNG ONLINE, GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ?

Nhưng trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc hiện nay, có nhiều bấp bênh quanh việc Uniqlo có thể tiếp tục mở rộng nhanh chóng như thế nào ở nước này.

“Fast Retailing đạt được sự tăng trưởng lợi nhuận khả quan ở Trung Quốc trong một nền kinh tế lạm phát. Khi đó, họ có thể bán được sản phẩm ở Trung Quốc với giá đắt hơn ở Nhật. Nhưng nếu nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang giảm phát và cạnh tranh khiến cho Uniqlo phải bán sản phẩm ở Trung Quốc với giá rẻ hơn, và cùng lúc đó người tiêu dùng thay đổi quan điểm về giá trị đồng tiền, điều kiện như vậy có thể khiến cho Uniqlo khó cạnh tranh hơn”, nhà phân tích cấp cao Takihiro Kazahaya của công ty UBS Securities Japan nhận định.

Khi công bố kết quả kinh doanh quý 2 hồi tháng 4, Giám đốc tài chính Takeshi Okazaki của Fast Retailing nói rằng tình hình kinh doanh của Uniqlo tại Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cả các yếu tố bên trong và bên ngoài, tức là vừa do môi trường kinh tế vĩ mô vừa do sự yếu kém của một số cửa hiệu. Ông cho biết một phần giải pháp cho vấn đề sẽ là đóng bớt một số cửa hiệu, đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến và bán qua livestream - một hình thức bán hàng phổ biến trên các mạng xã hội ở Trung Quốc.

Trong khi Uniqlo còn đang điều chỉnh chiến lược cho thị trường Trung Quốc, tham vọng của hãng ở Mỹ và châu Âu có thể sẽ giữ vai trò quan trọng hơn đối với thành công và giá cổ phiếu của hãng.

“Tăng trưởng ở Trung Quốc đã giữ vai trò chất xúc tác cho giá cổ phiếu Fast Retaling trong nhiều năm Bây giờ, thị trường Trung Quốc đã giảm tốc một chút. Nhưng dù sao, Uniqlo còn thị trường châu Âu và Mỹ đều đang tăng trưởng tốt. Câu hỏi tiếp theo là sự tăng trưởng đó có thể duy trì hay không”, một nhà đầu tư cổ phiếu ở Tokyo nhận định.