17:58 30/11/2023

Ưu tiên 1.400 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 28B, thuận tiện kết nối miền Trung với Tây Nguyên

Anh Tú

Quốc lộ 28B nối hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng dài khoảng 68 km, sẽ được đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo giúp kết nối các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ với Tây Nguyên...

Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025, hoàn thiện các thủ tục kết thúc trong năm 2026.
Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025, hoàn thiện các thủ tục kết thúc trong năm 2026.

Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua Bình Thuận, Lâm Đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2026.

Dự án có điểm đầu tại Km0 giao Quốc lộ 1 tại Km 1656+900, thuộc thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận và điểm cuối tại Km 68+1000 giao với Quốc lộ 20 tại Km 185+690, thuộc xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 68km không bao gồm đoạn Km 6+870 - Km 7+990 thuộc dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang xây dựng.

Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh Bình Thuận khoảng 51km; đoạn qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 17km. Dự án được đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí gần 1.300 tỷ đồng; bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 117 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 1.100 tỷ đồng, chi phí khác 32 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 135 tỷ đồng. 

 

Quốc lộ 28B là tuyến đường đối ngoại quan trọng của các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, là trục giao thông theo hướng Đông - Tây ngắn nhất kết nối Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 20 và kết nối giữa các vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, cảng tổng hợp quốc tế Vĩnh Tân với các tỉnh Tây Nguyên, vùng kinh tế Đông Bắc Campuchia.

Tuyến Quốc lộ 28B là trục giao thông trọng yếu để phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng, giúp các tỉnh trong khu vực phát huy hết tiềm năng, lợi thế hiện có, đặc biệt phát triển tam giác du lịch Đà Lạt - Phan Thiết - TP. Hồ Chí Minh.

Đến nay, hệ thống giao thông kết nối giữa các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận với các tỉnh Tây Nguyên như: Lâm Đồng, Đắk Lắk có các tuyến: đường tỉnh ĐT.717 dài gần 40 km đi qua huyện Tánh Linh (Bình Thuận) nối Quốc lộ 20 thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đường tỉnh ĐT.729 nối huyện Đơn Đương (Lâm Đồng) với huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận),…

Riêng tuyến ĐT.722 (Lâm Đồng) đang xây dựng, sau khi đưa vào khai thác sẽ kết nối cùng với các tuyến Trường Sơn Đông, Quốc lộ 20, Quốc lộ 27, Quốc lộ 28 tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn không chỉ kết nối các địa phương trong tỉnh với nhau, đồng thời mở rộng thông thương các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Đắk Nông.

Với vai trò quan trọng nêu trên, theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư dự án nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng theo quy hoạch, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.

Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Đông - Tây kết nối khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung.

Chủ đầu tư dự án là Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 5 tổ chức quản lý dự án.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu hai đơn vị này lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án, tuân thủ quy định, phù hợp với tiến độ triển khai, hoàn thành dự án và kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Đồng thời, xây dựng, đăng ký nhu cầu vốn hàng năm đảm bảo cân đối, bố trí đủ vốn cho dự án; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan để kiểm tra, rà soát, đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định.

Để chuẩn bị cho công tác triển khai thi công ngay sau khi lựa chọn được nhà thầu, Ban Quản lý dự án 5 thuộc Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ, giao nhiệm vụ cho địa phương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp bị ảnh hưởng thuộc phạm vi quản lý.

Đồng thời, Ban Quản lý dự án 5 cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND trình HĐND tỉnh thống nhất, bổ sung danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án. Tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng là hơn 14,00 ha với các loại rừng gồm: 1 ha đất trồng lúa; đất rừng phòng hộ: 0,1148 ha; đất rừng sản xuất: 7,2362 ha; đất khác: 5,7090 ha.