08:18 14/12/2022

Ưu tiên gần 8.000 tỷ vốn đầu tư công vào loạt dự án tại Cà Mau, đoạn tuyến Quốc lộ 63 vẫn chờ sau 10 năm

Anh Tú

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải cân đối được 7.789 tỷ đồng để thực hiện hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tuy nhiên, đoạn tuyến còn lại trên Quốc lộ 63 dù đang quá tải, thường xuyên ách tắc nhưng chưa được bố trí vốn...

Quốc lộ 63 đoạn qua địa bàn tỉnh đã có chủ trương đầu tư từ năm 2010 nhưng đến nay đã hơn 10 năm chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng.
Quốc lộ 63 đoạn qua địa bàn tỉnh đã có chủ trương đầu tư từ năm 2010 nhưng đến nay đã hơn 10 năm chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng.

Theo thông tin từ tỉnh Cà Mau, Quốc lộ 63, đoạn qua địa bàn tỉnh đã có chủ trương đầu tư từ năm 2010 nhưng đến nay đã hơn 10 năm chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng. Hiện nay, đoạn đường này đang xuống cấp nghiêm trọng; mặt cắt ngang nhỏ hẹp, mặt đường lồi lõm với nhiều ổ gà, ổ voi... ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân và là điểm đen về tai nạn giao thông.

Từ thực tế trên, tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 63, đoạn qua địa bàn tỉnh, đặc biệt là đoạn nội ô TP. Cà Mau, vì hiện tại đoạn này nhỏ hẹp, mặt đường xấu và đang quá tải, thường xuyên ách tắc trong các giờ cao điểm.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cân đối khoảng 7.789 tỷ đồng để thực hiện hàng loạt dự án.

Bao gồm dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau và dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025...

Còn về Quốc lộ 63 đoạn qua tỉnh Cà Mau, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tổng chiều dài 39 km, quy mô đường cấp III đồng bằng, có 2 - 4 làn xe.

Triển khai quy hoạch, để đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 đoạn Km74+200 - Km112+782,59 thuộc địa phận tỉnh Cà Mau tại Quyết định 1782 ngày 25/6/2010 với quy mô cấp IV, 2 làn xe, riêng đoạn qua nội ô TP. Cà Mau theo quy hoạch địa phương có quy mô 4 làn xe.

Trong quá trình triển khai do nguồn vốn khó khăn và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 8035 ngày 25/9/2013, dự án chỉ được bố trí vốn để triển khai đoạn qua nội ô TP. Cà Mau (Km110+323,27 - Km112+782,59) từ năm 2013; đến năm 2020, dự án chưa được bố trí đủ vốn để hoàn thành.

Vì vậy, để hoàn thành Quốc lộ 63 đoạn qua nội ô TP. Cà Mau, Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cân đối từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định 1070 ngày 14/6/2021. "Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau triển khai đầu tư, đã cơ bản hoàn thành và đang thực hiện thủ tục nghiệm thu, đưa vào khai thác", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị tỉnh Cà Mau về việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 63 các đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả tuyến đường, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, đảm bảo an ninh quốc phòng cho tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

 

Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua rất hạn hẹp, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối bố trí cho dự án này.

Bộ Giao thông vận tải ghi nhận và sẽ nghiên cứu đầu tư vào thời điểm thích hợp khi cân đối được nguồn vốn.

Bởi kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải chỉ được phân bổ tổng số hơn 304.100 tỷ đồng.

Theo quy định, số vốn này phải ưu tiên bố trí khoảng 147.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước.

"Còn 157.000 tỷ đồng để triển khai các dự án mới, trong đó tập trung bố trí khoảng 117.500 tỷ đồng cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới và khoảng 39.500 tỷ đồng cho một số ít các dự án động lực, cấp bách hoặc để xử lý các điểm nghẽn thuộc năm chuyên ngành giao thông trong 5 năm trên 63 tỉnh, thành phố", Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến.