Vải thiều lên ngôi tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới
Không tự nhiên mà giờ đây, quả vải của Việt Nam đã trở thành “đầu câu chuyện” trong những cuộc làm việc của người Nhật Bản và Việt Nam. Người Nhật mua vải không chỉ cho gia đình mà còn làm quà tặng cho đối tác, bạn bè...
Chia sẻ với VnEconomy, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết sự kiện vải thiều đắt hàng ở Nhật thực ra là kết quả của cả một hành trình đầy gian nan của đội ngũ tham tán thương mại, của người trồng vải và doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước Nhật, quả vải Việt Nam đã vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia. Nhưng dường như để bước chân được vào Nhật vẫn khó hơn. Đâu là vấn đề thưa ông?
Mỹ, Australia hay Nhật Bản đều là những thị trường nổi tiếng khó tính. Là những nước có quy định kiểm dịch khắt khe, theo tiêu chuẩn cao đối với các sản phẩm hoa quả tươi nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có quả vải thiều.
Ngoài những quy định chung về điều kiện trồng trọt, xử lý, dán nhãn, chứng nhận kiểm dịch thực vật... vải thiều tươi muốn xuất khẩu sang các thị trường này còn phải bảo đảm một số quy định kỹ thuật như: xử lý dịch hại, lấy mẫu kiểm tra trước xử lý, kiểm dịch thực vật và giấy chứng nhận…
Không chỉ vậy, đối với Mỹ và Australia, quả vải phải được xử lý chiếu xạ tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT Việt Nam) công nhận theo liều lượng quy định, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam.
Còn với Nhật, quá trình đưa quả vải thiều Việt Nam vào thị trường này kéo dài hơn, với nhiều khó khăn. Việt Nam bắt đầu khởi động đàm phán với Nhật Bản về việc cấp phép nhập khẩu vải thiều từ năm 2014.
Yêu cầu Nhật Bản đưa ra có phần khắt khe hơn. Đó là các lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp công nhận, với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ.
Đặc biệt, việc xử lý cần phải được giám sát bởi cán bộ kiểm dịch của cả hai nước. Đây chính là một điều kiện bắt buộc khiến cho việc xuất khẩu vải sang Nhật trong năm 2020 suýt nữa không thể thành công khi chuyên gia Nhật không thể sang Việt Nam do Covid-19.
Tuy nhiên, ngày 3/6/2020, với sự vận động quyết liệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, một chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines chở duy nhất một hành khách là chuyên gia kiểm dịch Nhật Bản đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Sau 2 tuần cách ly theo quy định, vào ngày 18/6 chuyên gia kiểm dịch Nhật Bản đã phối hợp với các chuyên gia Việt Nam tiến hành công tác giám sát quá trình xử lý quả vải tại các cơ sở xông hơi khử trùng.
Ngay trong ngày hôm đó, gần 5 tấn vải thiều được xử lý xông hơi, khử trùng và được chuyên gia Nhật Bản xác nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản.
Tại thị trường Việt Nam giá 1kg vải thiều chỉ có vài chục nghìn đồng, còn tại Nhật Bản giá 1kg lên tới 500.000 đồng. Đây là mức giá rất cao cao, ông nhìn nhận như thế nào về giá trị của vải tươi Việt Nam?
Một trong những điểm nhấn của sự kiện quả vải thiều tươi Việt Nam lần đầu tiên thâm nhập vào thị trường Nhật Bản năm 2020 là việc giá bán vải tại siêu thị Nhật Bản (chuỗi siêu thị AEON) với mức giá tính ra khoảng 500.000 đồng/kg. Đây là một mức giá rất cao nếu so với mức giá vài chục nghìn đồng/kg vải bán ở thị trường trong nước.
Nhưng dù giá cao như vậy, quả vải Việt Nam vẫn được đón nhận nhiệt tình tại Nhật Bản. Phải nói, đây cũng là một tín hiệu hết sức vui mừng cho thương hiệu quả vải Việt Nam.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, lô vải thiều được bán với giá cao như thế này một phần bởi chi phí vận chuyển đội lên. Vải được vận chuyển bằng đường hàng không, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, giữ được độ tươi ngon của quả vải… nhưng chi phí cao hơn nhiều so với đường biển.
Người Nhật cho rằng, điều đáng tiếc nhất đối với quả vải Việt Nam là không bảo quản được lâu. Chỉ sau một thời gian ngắn, vải đổi màu thâm đen, mất tính thẩm mỹ, trong khi đây lại là điều người tiêu dùng Nhật Bản coi trọng khi mua hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm. Do vậy, họ mong muốn quả vải Việt Nam giữ được độ tươi ngon trong thời gian lâu hơn, và được bán rộng rãi trên khắp Nhật Bản.
Tôi cho rằng, điều quan trọng là quả vải tươi Việt Nam cần được ứng dụng các công nghệ xử lý, bảo quản hiện đại nhằm giúp gia tăng thời gian sử dụng của quả vải, vẫn giữ được độ tươi ngon lâu dài mà vẫn tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Khi đó giá bán vải có thể thấp hơn con số 500.000 đồng/kg và sẽ được đón nhận nhiều hơn, với số lượng lớn.
Một bước tiến quan trọng nữa, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật. Điều này có giúp quả vải Việt Nam vào Nhật Bản dễ dàng hơn không?
Vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vào năm 2008. Giá trị quả vải tăng cao, thị trường xuất khẩu mở rộng phạm vi, trong đó có Nhật Bản kể từ năm 2020. Tuy nhiên, quả vải xuất khẩu chịu “thiệt thòi” là phải gắn tên của đơn vị cung cấp sản phẩm phía Nhật Bản trong quá trình tiêu thụ.
Do đó, với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, quả vải thiều Lục Ngạn từ nay sẽ được gắn chỉ dẫn địa lý "vải thiều Lục Ngạn" lên các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản. Lúc này, giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ cao hơn, gia tăng cơ hội được người tiêu dùng Nhật tin tưởng và lựa chọn.
Song theo tôi, các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bắc Giang. Đó là hàng năm phải đánh giá nội bộ chất lượng sản phẩm theo tiêu chí chỉ dẫn địa lý được bảo hộ và cập nhật thường xuyên lên hệ thống để các đối tác thu mua sản phẩm nắm được.
Bên cạnh đó, để có các chỉ tiêu tốt, phải có sản phẩm tốt, điểm mấu chốt vẫn là người nông dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất để tạo ra sản phẩm vừa có mẫu mã đẹp mà chất lượng vẫn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Như vậy, trách nhiệm của người sản xuất phải được nâng cao, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm- yếu tố cốt lõi để phát huy giá trị sau bảo hộ chỉ dẫn địa lý của quả vải.
Để xuất khẩu vải thiều bền vững sang Nhật, ông có lời khuyên gì cho người trồng vải cũng như doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?
Chúng ta đã mất hơn 5 năm để trao đổi, đàm phán, thực hiện nghiêm ngặt các quy định tiêu chuẩn từ lựa chọn giống vải, đăng ký vùng trồng, chăm bón, diệt côn trùng, sâu bệnh, thu hoạch rồi tìm kiếm đối tác xuất khẩu, đàm phán giá cả… mới có thể thành công thâm nhập thị trường Nhật Bản.
Tuy vậy, kể cả có thâm nhập thành công rồi nhưng để giữ được thị trường lâu dài, bền vững là việc vô cùng khó. Nhật Bản là thị trường hết sức khó tính. Khi chúng ta để chất lượng quả vải xuất sang Nhật vì bất cứ lý do gì không được tốt, dù từ phía người nông dân hay doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ cần một lô quả vải không đảm bảo tươi ngon, không đạt chất lượng thì bao nhiêu công sức của bà con nông dân trồng ra được quả vải ngon sẽ không còn ý nghĩa.
Bởi vậy, tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta cần phải thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo quả vải thiều tươi giữ được chất lượng, giữ được thương hiệu, giữ được thị trường khó tính bậc nhất thế giới này. Có như vậy mới có thể nghĩ tới chuyện đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa.
Tại địa phương trồng vải, chúng ta nên có quy hoạch hợp lý nhằm gia tăng diện tích vùng trồng vải cũng như số lượng mã số vùng trồng được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu cũng cần tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Nhật Bản.
Khâu quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản của Việt Nam tại Nhật Bản cũng rất quan trọng. Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp với Tập đoàn AEON tổ chức sự kiện quảng bá giới thiệu trái vải Việt Nam bán tại hệ thống chuỗi siêu thị AEON tại thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận.
Đồng thời, quảng bá, giới thiệu quả vải tươi rộng rãi hơn nữa đến người tiêu dùng Nhật Bản thông qua các kênh truyền thông; cập nhật thông tin, hình ảnh về quả vải tươi Việt Nam bán tại Nhật trên trang Facebook của Thương vụ; phối hợp với đầu mối nhập khẩu phía Nhật Bản phổ biến rộng rãi thông tin tới cộng đồng về chương trình đặt mua vải theo hình thức trực tuyến…