19:20 17/05/2021

Hợp tác xã "bắt tay" nông dân xuất khẩu vải thiều đi Nhật Bản

Phương Thảo

Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương hiện có 17 vùng trồng vải được cấp mã vùng đạt tiêu chuẩn quốc tế...

Vải thiều Thanh Hà đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý và được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2007.
Vải thiều Thanh Hà đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý và được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2007.

Diện tích vải của huyện Thanh Hà hiện có khoảng trên 3.300 ha. Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà cho biết, năm nay diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính tăng cao hơn năm ngoái. Vì vậy, huyện đã xây dựng quy hoạch 34 vùng vải với diện tích 400ha sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Âu và Nhật Bản, Singapore, Australia.

Nắm bắt được thế mạnh của vùng đất vải, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đã thành lập Hợp tác xã Ameii Việt Nam ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn). Vùng vải rộng khoảng 17 ha, với 35 xã viên tham gia, chuyên sản xuất vải xuất khẩu đi Nhật Bản. Đây là vùng ngoài đê có không khí trong lành, chất đất và nước sạch, thuận lợi cho việc chăm sóc vải tập trung. Ở vùng vải này, tất cả các xã viên đều phải thực hiện đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP. Toàn bộ sản lượng vải trong vùng được Hợp tác xã bao tiêu.

Ông Phạm Văn Giang, một người trồng vải ở đây cho biết trồng vải theo quy trình đi Nhật Bản rất nghiêm ngặt. Từ thuốc bảo vệ thực vật đến phân bón cũng theo đúng hướng dẫn của Nhật. Trong quá trình trồng, nông dân phải ghi chép nhật ký đầy đủ để các kỹ thuật viên kiểm tra.

Các vườn vải được lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hái và đều bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobleGAP.
Các vườn vải được lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hái và đều bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobleGAP.

Đối với vùng này, đến ngày phun thuốc, chăm bón thì nông dân phải cùng nhau làm. Người nào không tuân thủ quy trình dẫn đến thiệt hại và làm mất uy tín của Hợp tác xã sẽ bị loại khỏi Hợp tác xã. Sản phẩm khi xuất khẩu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chỉ còn 0,01%. "Khi vào Hợp tác xã mọi người đoàn kết hơn, đồng lòng chăm sóc, bảo vệ quả vải, cung cấp cùng một loại sản phẩm chất lượng nên đến nay ai nấy đều rất nghiêm túc trong sản xuất," ông Giang cho biết.

Thuận lợi nhất là sản phẩm của Hợp tác xã được Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam bao tiêu với giá cao hơn so với thị trường bên ngoài. Người trồng vải không phải lo đầu ra, chỉ cần chăm sóc quả vải theo đúng hướng dẫn. Cũng chính vì ưu điểm đó nên hiện nay có nhiều nông dân muốn tham gia vào hợp tác xã. Vụ vải này đã được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật 4 lần. Trong tuần này, các xã viên bắt đầu thu hoạch vải.

Để có được những quả vải tươi, đẹp, chất lượng, bên cạnh công sức chăm sóc vất vả của người dân thì những người điều hành Hợp tác xã cũng khá vất vả, họ như nông dân chính hiệu. Họ có mặt ở vùng vải hằng ngày, nhất là thời điểm chuẩn bị thu hoạch. Họ đến vườn kiểm tra tình hình của vải, kịp thời phát hiện những loại sâu bệnh mới để xử lý, phối hợp với người dân vệ sinh vườn và tỉa lộc...

Ngoài thị trường Nhật Bản, năm nay vải thiều Thanh Hà còn được doanh nghiệp này xuất khẩu sang các nước Singapore, Hàn Quốc, Canada... với khoảng 1.000 tấn. Để bảo đảm sản xuất cho vụ vải này, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua buồng hun trùng và dựng khu sơ chế vải đi Nhật Bản riêng, cách biệt với các khu khác.

Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, Giám đốc Hợp tác xã Ameii Việt Nam, trong tuần này những lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên sẽ được xuất khẩu đi Nhật Bản. Năm nay, sản lượng vải của hợp tác xã đạt khoảng 300 tấn nhưng công ty sẽ xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà sang thị trường Nhật Bản.

Vùng vải rộng khoảng 17 ha của Công ty CP Ameii Việt Nam, với 35 xã viên tham gia, chuyên sản xuất vải xuất khẩu đi Nhật Bản.
Vùng vải rộng khoảng 17 ha của Công ty CP Ameii Việt Nam, với 35 xã viên tham gia, chuyên sản xuất vải xuất khẩu đi Nhật Bản.

HTX không đủ vải để xuất khẩu nên Công ty sẽ thua mua thêm ở các vùng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của huyện Thanh Hà. Vải sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, khử khuẩn, bảo quản trong kho lạnh. Các quy trình sơ chế đều có chuyên gia người Nhật Bản giám sát qua camera. Vì vậy, các công đoạn đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng.

Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Hải Dương, hiểu được khó khăn của người nông dân, doanh nghiệp, trong khi vải thiều là cây nông sản có thế mạnh nên nhiều năm qua, địa phương luôn chú trọng đưa ra chính sách hỗ trợ, vừa phát triển thị trường truyền thống và liên tục mở thêm thị trường mới tiềm năng.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản để chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ.