10:00 20/05/2024

Vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ trong phát hành trái phiếu xanh

Phương Hoa

Chính phủ cần đưa ra các giải pháp như: hỗ trợ về thuế và phí niêm yết để giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí phát hành trái phiếu xanh…

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: Việt Dũng.

Chia sẻ tại hội thảo: “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” được phối hợp chức bởi Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, Moody’s Ratings VIS Rating mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các cơ chế để phát triển thị trường trái phiếu xanh, tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cần phải được tháo gỡ.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRÁI PHIẾU XANH THÔNG QUA CÁC VĂN BẢN, NGHỊ ĐỊNH

Theo đó, việc phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam đã được xác định rõ ràng thông qua các văn bản quan trọng như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, trong đó đã giới thiệu thuật ngữ về trái phiếu xanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. 

Tiếp đó, Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số quy định đối với hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu riêng lẻ, khắc phục được các điểm hạn chế, bất cập của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, bền vững.

Hội thảo: “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” được phối hợp chức bởi Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, Moody’s Ratings và VIS Rating.
Hội thảo: “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” được phối hợp chức bởi Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, Moody’s Ratings và VIS Rating.

Năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hợp tác với các tổ chức quốc tế cho ra mắt cuốn Sổ tay “Hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” nhằm hướng dẫn các tổ chức phát hành và các thành viên thị trường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực Asean cũng như các quy định của Việt Nam về trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững.

Năm 2022, chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng về ban hành danh mục, tiêu chí môi trường đối với các dự án xanh. 

“Theo tôi, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các cơ sở, chính sách và cơ chế cho việc phát hành trái phiếu xanh, cũng như phát triển thị trường trái phiếu xanh”, ông Hà cho hay.

CÁC ĐIỂM NGHẼN CẦN PHẢI ĐƯỢC THÁO GỠ

Một trong những yêu cầu cốt lõi của phát triển thị trường trái phiếu xanh đó chính là trái phiếu xanh yêu cầu công bố thông tin cao hơn so với trái phiếu thông thường. Tuy nhiên, ông Hà nhận định rằng việc thực hiện các quy định về phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn gặp một số vướng mắc, đặc biệt là danh mục các dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành. “Đây là điểm nghẽn của thị trường trái phiếu xanh cần phải được giải quyết dứt điểm trong thời gian tới”, ông Hà bày tỏ.

Ngoài ra, một số định chế tài chính tại Việt Nam cũng phản ánh rằng các quy định về trái phiếu xanh vẫn chưa thực sự cụ thể và chưa có những hỗ trợ cần thiết cho các bên tham gia thị trường. Điều này dẫn đến việc nhiều bên vẫn còn do dự khi tham gia vào thị trường trái phiếu xanh.

Ví dụ, Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định rằng mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hoặc cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số định chế tài chính vẫn chưa hiểu rõ “chương trình, dự án đầu tư” trong Nghị định 65 được định nghĩa như thế nào.

“Câu hỏi đặt ra là liệu chương trình, dự án đầu tư này sẽ do cơ quan có thẩm quyền ban hành hay doanh nghiệp cũng có thể tự xây dựng một chương trình, dự án đầu tư phù hợp với quy định?”, ông Hà chia sẻ.

Hiện nay, việc phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, quy định trong Nghị định 65 lại yêu cầu phát hành trái phiếu xanh theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, khi sửa đổi Nghị định, các cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc mở rộng quy định, cho phép phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi phí phát hành trái phiếu xanh vẫn còn cao hơn so với chi phí phát hành trái phiếu thông thường do yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt và cải tiến các quy trình hoạt động nội bộ. Do đó, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ về thuế và phí niêm yết để giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí phát hành trái phiếu xanh.

 
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

"Theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm không được mua trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ. Đây là một vấn đề cần được cân nhắc, bởi vì nguồn vốn từ các doanh nghiệp bảo hiểm có tính dài hạn và ổn định.

Nếu chúng ta có thể huy động được nguồn vốn này để hỗ trợ cho thị trường trái phiếu xanh, sẽ tạo ra một cú hích đáng kể, giúp giải tỏa điểm nghẽn của thị trường".

Để Việt Nam bắt kịp tốc độ phát hành trái phiếu xanh và thu hút nhà đầu tư, ông Hà nhấn mạnh rằng Việt Nam cần hoàn thiện việc ban hành danh mục các dự án xanh. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm các phương án cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào việc mua trái phiếu xanh trên thị trường với mục đích tái cơ cấu lại nợ cũng như tận dụng nguồn vốn dài hạn.

Động lực để các bên tham gia vào thị trường trái phiếu xanh chính là các khuyến khích về mặt tài chính. Cụ thể, cần có các ưu đãi cho cả bên phát hành trái phiếu xanh và các nhà đầu tư trái phiếu xanh. Ví dụ, các ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu xanh có thể được phép sử dụng trái phiếu xanh để thế chấp cho nhà nước.

“Việt Nam cũng có thể xem xét việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư hoặc thu lợi nhuận từ trái phiếu xanh, nhằm khuyến khích nhiều bên tham gia vào thị trường trái phiếu xanh hơn”, ông Hà gợi ý.

Cùng với đó, yếu tố minh bạch của thị trường trái phiếu xanh hiện đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Vì vậy, cần tăng cường các hoạt động của các tổ chức về xếp hạng tín nhiệm xanh và công khai những chỉ số xếp hạng này để các bên tham gia trong thị trường trái phiếu xanh có thể nắm được thông tin rõ ràng.

Ngoài ra, cần tăng cường nhận thức của các bên liên quan trong thị trường trái phiếu xanh. Các tổ chức trung gian, như các ngân hàng thương mại, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trái phiếu xanh. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có đủ kiến thức để đánh giá các dự án xanh, nên cần sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để nâng cao kỹ năng đánh giá các dự án xanh. “Việt Nam có thể học tập từ kinh nghiệm của các nước khác để phát triển thị trường trái phiếu xanh một cách hiệu quả”, ông Hà chia sẻ.